Với tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội hiện nay, rác thải của con người ngày càng được thải ra nhiều hơn, đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, việc phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp chủ chốt để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải.
Tại Việt Nam, phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nội dung mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, kèm theo nội dung thu phí rác thải theo khối lượng, dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Việc thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, việc phân loại rác tại nguồn cực kì khó, nhiều quốc gia cũng phải mất thời gian dài mới thực hiện thành công.
Theo đó, Singapore bắt đầu triển khai kế hoạch phân loại và tái chế rác thải thành năng lượng từ năm 1979. Hàn Quốc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ năm 1995 hay Thượng Hải - Trung Quốc thực hiện từ 2019.
"Về cơ bản, kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn là giám sát hoạt động phân loại rác chặt chẽ, đổ rác phải theo giờ giấc nhất định, cần có hệ thống thùng hoặc túi phân loại rác cũng như hướng dẫn cụ thể cho người dân.” - TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Từ đó có thể thấy công tác phân loại rác tại nguồn nó khó khăn thế nào, cần sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và các cấp quản lý. Nhằm đối phó với vấn đề này, các nước phát triển đã và đang triển khai những biện pháp cụ thể để biến rác thải từ một gánh nặng, trở thành tài nguyên quý giá của quốc gia, cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Trung Quốc - phân loại rác được tặng quà
Bắt đầu từ tháng 3/2017, Trung Quốc thực hiện chính sách phân loại rác thải nhưng mới chỉ áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hàng. Theo đó, rác được chia làm 3 loại là chất thải độc hại, chất thải nhà bếp và rác có thể tái chế. Đến cuối tháng 11/2018, có 12 thành phố đã ban hành luật liên quan và 24 thành phố khác đã thông báo sẽ tham gia chủ trương này.
Bên cạnh các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hàng phải phân loại rác theo quy định, các hộ gia đình ở Trung Quốc cũng được khuyến khích tham gia chương trình này bằng các phần thưởng vật chất. Khi phân loại rác đúng theo quy chuẩn, các hộ dân sẽ được nhận được điểm thưởng có tác dụng quy đổi thành các phần quà nhu yếu phẩm từ chương trình đổi rác nhận quà.
Một máy đổi rác thải đã phân loại lấy điểm thưởng ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Shanghai Municipal Bureau of Greenery and City Planning)
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả phân loại rác tại các khu nhà ở tập thể hay chung cư, người dân Thượng Hải - Trung Quốc cũng có những quy định rất rõ ràng. Theo đó, các cấp quản lý quy định trách nhiệm của khu chung cư phải xây chỗ đổ rác ở dưới để người dân mang rác xuống đổ đúng giờ, nếu không đổ đúng giờ thì phòng để rác không mở. Từ đó có thể thấy quy định đã phân chia trách nhiệm của chung cư, người dân đơn vị thu gom rất rõ ràng.
Thậm chí, họ xây dựng các app điện thoại nếu người dân không rõ có thể căn cứ vào đó để phân loại. Quy định phân loại rác phải cực kỳ rõ ràng, cực kì cụ thể, không thể chung chung được. Giờ nào đổ rác thế nào, đựng vào túi nào?
Đức - Tỷ lệ tái chế rác thải gần như đứng đầu thế giới
Theo số liệu thống kê đến năm 2015, tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt tại Đức lên tới 65%, thậm chí có năm đạt 86%.
Với người Đức, họ coi việc phân loại rác thải sinh hoạt là một phần nghĩa vụ của bản thân với môi trường. Người dân Đức phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”.
Người dân Đức phân loại rác thải theo màu (Ảnh: New York Times)
Thông thường sẽ có 6 loại thùng rác được đặt ở Đức: thùng rác màu xanh đựng giấy và bìa cứng; thùng màu xanh lá cây và màu trắng dành để đựng thủy tinh, các thùng khác nhau cho các màu thủy tinh khác nhau; thùng màu vàng/cam dành cho nhựa và kim loại; hàng hóa phân hủy sinh học được đựng trong thùng màu nâu và thùng màu đen để chứa rác thải không thể tái chế, chất thải động vật và tro.
Nếu vi phạm các quy định về phân loại rác, người dân sẽ bị phạt rất nặng, có thể lên tới 1.500 euro (tương đương 38 triệu đồng). Nếu như phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom. Và nếu như các công ty môi trường phát hiện ra người dân vứt rác bừa bãi bất chấp luật lệ, người đó có thể bị phạt tiền.
Hàn Quốc - Phân loại rác theo màu túi
Tại Hàn Quốc, việc phân loại rác thải tại nguồn được triển khai từ năm 1995. Về cơ bản, Hàn Quốc quy định chia chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, bao gồm rác tái chế, rác thực phẩm và rác sinh hoạt khác. Mỗi loại rác có một túi đựng riêng với màu sắc khác nhau và phí thu gom rác thải được thu dựa trên việc bán những chiếc túi này. Ví dụ như rác thực phẩm phải được bỏ vào túi rác màu vàng trước khi cho vào một thùng rác riêng biệt, đặt ở vệ đường.
Những ai sử dụng túi rác không đúng quy định sẽ bị phạt với mức phí phạt lên đến một triệu won (1.650 đô la). Chính phủ của họ đã đưa ra phần thưởng bằng tiền cho những ai tiết lộ thông tin về danh tính của những người phạm tội.
Người dân Hàn Quốc nếu sử dụng túi rác không đúng quy định sẽ bị phạt lên đến một triệu won (Ảnh: Dreamstime)
Nước này cũng đã ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ giảm thiểu chất thải và tình trạng lãng phí thực phẩm, vốn đã kéo dài trong suốt hàng thập kỷ.
Tại Seoul, ước tính có khoảng 6.000 thùng đựng rác được trang bị cân và cảm biến nhận dạng tần số vô tuyến (RFID). Hệ thống này cho phép tính toán trọng lượng chất thải thực phẩm và tính phí cư dân bằng thẻ ID. Càng đổ nhiều rác, đặc biệt là rác thực phẩm, thì người dân càng mất thêm tiền phí.
Phương Anh