LTS: Với thủ đoạn tinh vi, đa dạng, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng đồng qua nhiều vụ việc. Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm xử lý, nhiều người vẫn sập bẫy. Vào thời điểm cuối năm, từ cảnh báo của cơ quan chức năng, báo VietNamNet thực hiện các bài viết nhằm chỉ rõ thủ đoạn lừa đảo, cách để người dân phòng tránh loại tội phạm này.
Thời điểm cuối năm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có dấu hiệu gia tăng. Một trong những thủ đoạn tưởng như đã cũ nhưng nhiều nạn nhân vẫn "sập bẫy" là việc các đối tượng mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện lừa đảo.
Mới đây nhất, ngày 26/11, Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của người phụ nữ 63 tuổi. Người này nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ viện kiểm sát thông báo, bà có liên quan đến vụ án ma túy.
Tội phạm lừa đảo qua mạng với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người sập bẫy.
Đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Nạn nhân sau đó đã chuyển hơn 4,2 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi thực hiện xong giao dịch chuyển tiền, nạn nhân mới biết bị lừa đảo và trình báo công an.
Cùng thủ đoạn nêu trên, trong tháng 11/2022, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cũng tiếp nhận một trường hợp bị lừa đảo hơn 6 tỷ đồng từ cuộc gọi của người xưng là đại tá công an. Vẫn thực hiện theo cách thức cũ, thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây ma túy, các đối tượng đã yêu cầu nạn nhân cung cấp các tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra.
Chưa hết, hồi tháng 8/2022, chị B. (quê Hà Nội) cho biết đã bị một nhóm người tự xưng là Dương Gia Bảo, công tác tại Cục quản lý Giao thông đường bộ số 3 gọi điện thoại đến lừa đảo.
Đối tượng đọc đúng thông tin cá nhân của chị B gồm: Số chứng minh thư, ngày, tháng, năm sinh và thông báo chị B. liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, chị B. khẳng định bản thân không có mặt ở Đà Nẵng vào thời gian trên.
Đối tượng tiếp tục yêu cầu chị B. làm hồ sơ báo án trực tuyến bằng cách gọi video và cuộc gọi ghi âm xác thực. Họ yêu cầu chị B. khai báo thông tin cá nhân cũng như tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, sau khi có tài khoản ngân hàng, đối tượng liền cho rằng chị B. liên quan đến một đối tượng buôn bán ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều chục tỷ đồng. Không dừng ở đó, đối tượng bắt đầu tra hỏi chị B. những câu như: Dùng những tài khoản nào, lần giao dịch tiền nhiều nhất là bao nhiêu, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền,…
Tuy nhiên, nhận thấy điểm bất thường, chị B. nói sẽ đến trực tiếp cơ quan Công an Đà Nẵng để làm rõ vấn đề. Đến lúc này, đối tượng xấu đã giả vờ mạng yếu rồi tắt máy.
Trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên, Bộ Công an nhiều lần phát đi cảnh báo về thủ đoạn của các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án…. Chúng gọi điện cho người dân, thông báo họ có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền…., gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới mở rồi cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Bộ Công an khẳng định, việc các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn. Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.