Cha mẹ càng 'quản' 2 việc, con càng phát triển thụt lùi

23/08/2023 08:12

Xâm hại quyền riêng tư khiến trẻ mất đi sự độc lập, dễ lệ thuộc và làm trầm trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Nhiều bậc cha mẹ thường tin rằng, họ càng nghiêm khắc trong việc giáo dục thì con càng có nhiều khả năng thành công. Tuy nhiên, trong hai việc sau, bạn càng quản nhiều thì thường sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực cả đời cho đứa trẻ.

Cha mẹ càng 'quản' 2 việc, con càng phát triển thụt lùi

Ảnh minh họa

1. Kiểm soát quá nhiều việc học tập và trưởng thành của con cái

Một người mẹ có con học rất giỏi, cô hy vọng rằng đứa trẻ sẽ trở thành một nhà khoa học vĩ đại. Vì thế, cô đã đến phòng thí nghiệm của nhà khoa học nổi tiếng, hy vọng rằng ông có thể nhận dạy con mình. Nhưng trong vài ngày, người này từ chối.

Người mẹ không cam lòng, đưa con đến để hỏi nguyên nhân. Nhà khoa học thắp ngọn đèn cầy trên bàn và bảo đứa trẻ dùng ngón tay chạm nhẹ vào ngọn lửa bên trong. Tuy nhiên, trước khi ngón tay của đứa trẻ chạm vào, người mẹ đã vội kéo con lại phía sau và hét lên: "Nếu ngón tay của con tôi bị bỏng thì phải làm sao đây?".

Nhà khoa học mỉm cười nói, đó là lý do tại sao ông từ chối.

Những bậc cha mẹ kiểm soát quá nhiều việc học tập và trưởng thành của con cái sẽ liên tục theo dõi con, thậm chí còn lắp đặt camera giám sát ở nhà để đảm bảo con cái họ không chểnh mảng. Cha mẹ sẽ làm tất cả mọi thứ, giống như một chiếc xe ủi đất, sẵn sàng đi trước dọn đường để con có thể đi trên một con đường bằng phẳng và nhanh chóng.

Nhưng quá trình học tập và trưởng thành của trẻ em là một quá trình tự khám phá, đòi hỏi một khoảng không gian và sự tự do nhất định. Nếu luôn trong tình trạng bị hạn chế và kiểm soát, trẻ sẽ cảm thấy rất đau khổ và bất lực, với cuộc sống của chính mình. Mặt khác, trẻ luôn bị cha mẹ kiểm soát quá mức cũng thường có tính phụ thuộc, ỷ lại không tự chăm sóc được cho bản thân.

2. Kiểm soát các mối quan hệ cá nhân của con

Có một thanh niên kể lại:

Khi còn nhỏ, anh ấy thích chơi bóng bàn với một vài bạn nam trong lớp, nhưng người mẹ đã đến nhà những bạn kia và cảnh báo họ không được lại gần con mình. Lý do bà đưa ra là con nên kết bạn với những ai học giỏi trong lớp, không nên gần gũi những đứa trẻ ham vui.

Sau đó, anh gặp và thích một cô gái. Hoàn cảnh gia đình dù tương đối khó khăn nhưng cô ấy mạnh mẽ và năng động, hai bạn trẻ đã hoạch định tương lai sau khi ra trường. Cho đến khi mẹ của anh yêu cầu con đưa bạn gái về nhà ra mắt.

Sau bữa cơm, mặt cô bạn gái tái nhợt, nhất quyết đòi chia tay. Anh lúng túng hỏi bạn gái tại sao, nhưng trong lòng đoán chắc là do lời mẹ nói. Mối tình vì thế mà tan tành. Khi anh ngoài ba mươi tuổi, người mẹ sắp xếp cho con đi xem mắt khắp nơi, nhưng không có gì xảy ra. Bây giờ 40 tuổi, anh vẫn độc thân đi về.

Một số bậc cha mẹ kiểm soát và liên tục can thiệp vào vòng tròn xã hội của con cái, thậm chí còn tạo ra những trở ngại khi con cái giao tiếp với người khác không như ý. Kiểu nuôi dạy con kiểu "quản lý" này sẽ mang di chứng suốt đời cho trẻ. Nó thậm chí có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sự phát triển nghề nghiệp của trẻ.

Trên lý thuyết, hành vi kiểm soát của cha mẹ với con cái giúp trẻ phát triển đúng hướng, tránh phạm sai lầm và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Nhưng nếu vượt quá giới hạn sẽ tạo thành áp lực vô hình cho con. Xâm hại quyền riêng tư khiến trẻ mất đi sự độc lập, dễ lệ thuộc và làm trầm trọng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Sự kìm kẹp quá mức khiến con không được trải nghiệm cuộc sống, thiếu kiến thức thực tế. Thay vào đó, phụ huynh hãy để con thử phạm sai lầm và học cách sửa sai. Đây là cách tốt nhất giúp trẻ rút ra bài học kinh nghiệm và kỹ năng sống trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên, phụ huynh nên để con phạm sai lầm trong phạm vi cho phép, miễn là điều đó không để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Nguồn giadinh.suckhoedoisong.vn

Cha mẹ càng 'quản' 2 việc, con càng phát triển thụt lùi - Đời Sống