Chú được đặt cho một cái tên rất đặc biệt chú có tên là "Tao" (Phạm Văn Tao). Vì chú còn quá nhỏ nên chú ở với gia đình nhà bác tôi. Bác tôi, cha tôi và chú là ba anh em có chung ông nội. Chú ở với nhà bác được một thời gian nhưng vì bác dâu khó tính nên chú xin xuống ở với bố mẹ tôi. Mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe rằng: Chú ở nhà mình được vài ba năm thì chú đi bộ đội. Ngày chú nhập ngũ, chú có dặn mẹ rằng: "Chị ở nhà trông nom miếng đất hương hỏa của bố mẹ em cho em, khi nào hòa bình em về dựng nhà rồi lấy vợ". Thế rồi chú đi không có ngày trở về. Ít lâu sau thì bác tôi nhận được giấy báo chú đã hi sinh và sau đó là tấm bằng " Tổ quốc ghi công".
Ảnh do tác giả cung cấp.
Tấm bằng được treo trang trọng trên tường nhà bác. Khi tôi lớn lên biết đọc chữ thì những thông tin trên tấm bằng chỉ ghi thời điểm chú hi sinh là tháng 6 năm 1951, người ký tấm bằng "Tổ quốc ghi công" đó là thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chú đi bộ đội cùng đợt với một người chú họ nhà bên cạnh nhà tôi nhưng khi nhập ngũ thì hai anh em mỗi người được phân về một đơn vị và được điều đi hai nơi khác nhau. Tôi lớn lên được cấp sách tới trường, được học môn lịch sử thì được biết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quân đội ta đã mở rất nhiều chiến dịch. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947), Chiến dịch Biên Giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951), Chiến dịch Đông Xuân (1951 - 1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trên tấm bằng "Tổ quốc ghi công" ghi thông tin chú tôi hy sinh tháng 6 năm 1951. Như vậy tôi phán đoán có lẽ chú hy sinh trong Chiến dịch Đông Xuân 1951-1952 (không thể là chiến dịch Hòa Bình được vì chiến dịch này xuất phát ngày 10 tháng 11 năm 1951. Thời điểm này chú tôi đã hy sinh). Sau khi hai bác tôi mất, chị gái út lấy chồng và gia đình chị sinh sống trong ngôi nhà của hai bác để lại. Bác tôi sinh hạ được năm người con gái, không có con trai. Khi chị gái út bị bạo bệnh và qua đời ở tuổi 33. Ít lâu sau người anh rể lấy một người vợ mới. Anh rể và người vợ mới cùng các con của chị út vẫn tiếp tục sinh sống trong ngôi nhà của hai bác tôi để lại. Một thời gian ngắn thì gia đình người anh rể bỏ lại ngôi nhà đó, di chuyển đến một chỗ ở mới. Sau đó chính quyền địa phương chuyển phần việc thờ cúng và hương khói liệt sĩ về gia đình tôi. Ít ngày sau mẹ tôi gặp người anh rể để xin lại tấm bằng "Tổ quốc ghi công" của người chú để về treo nhà mình nhưng anh ấy nói là tấm bằng đó đã bị mất (mặc dầu trước thời điểm đó tấm bằng vẫn còn được treo trên tường). Những ngày sau đó gia đình tôi đã cố gắng liên tục, không mệt mỏi nhưng tấm bằng vẫn không được cấp lại. Thương mẹ, thương chị mỏi mòn chờ mong. Cho đến một lần tôi về thấy tình cảnh đó. Tôi đem chuyện đó đặt vấn đề với một anh bạn ngày học chung đại học. Vợ anh ấy làm ở sở lao động thương binh xã hội tỉnh Thái Bình. Thấu hiểu và cảm thông, anh bạn hứa là sẽ giúp tôi việc này. Anh hai tôi lại phải xuống phòng lao động thương binh xã hội huyện Thái Thụy để lấy thông tin liệt sỹ và thông tin trên tấm bằng "Tổ quốc ghi công" đã được cấp lần đầu (mà người anh rể nhà bác nói là đã bị mất) để đem nộp lên Sở lao động thương binh xã hội tỉnh. Lại tiếp tục những ngày mẹ và chị phải chờ đợi. Đến một ngày đẹp trời, anh bạn báo tin với tôi là nói người nhà lên sở lao động thương binh xã hội trực tiếp nhận tấm bằng "Tổ quốc ghi công" của chú tôi (vì là bằng cấp lại nên tấm bằng này do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký). Hôm anh hai mang tấm bằng về, mẹ tôi mừng lắm, mẹ vui như chưa bao giờ vui như vậy. Năm 1994, khi nhà nước công bố xét tặng, truy tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng". Sau đó anh hai lại làm hồ sơ gửi xét duyệt để người mẹ của chú tôi được truy tặng danh hiệu cao quý đó (chú tôi là con độc nhất). Cũng không bao lâu sau thì tấm bằng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam anh hùng" của người mẹ của chú được treo trang trọng bên tấm bằng "Tổ quốc ghi công" trong căn nhà của gia đình tôi. Niềm vui thứ hai lại đến với mẹ tôi thật bất ngờ. Từ nay công lao và những đóng góp hy sinh của chú tôi và người mẹ của chú đã được Đảng, nhà nước, nhân dân ghi nhận và dòng họ, chòm xóm, quê hương, đất nước biết đến và ghi công.
Sắp tròn 72 năm ngày chú tôi ngã xuống vì nền độc lập của đất nước. Mẹ tôi cũng đã về với tiên tổ. Anh em chúng tôi vẫn day dứt một nỗi niềm đó là không biết chú tôi hy sinh ở chiến trường nào trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để đưa rước chú về với quê hương. Lời chú dặn mẹ tôi trước ngày nhập ngũ: "Chị ở nhà trông nom miếng đất hương hỏa giúp em để ngày hòa bình em trở về sẽ dựng nhà lấy vợ", lời dặn đó anh em chúng tôi không bao giờ quên được. Hòa bình đã ngót 69 năm rồi mà chú đi mãi chưa về. Có lẽ một thế hệ cùng chiến đấu với chú ở ngoài mặt trận cũng sắp đi hết cả rồi. Chỉ còn đó một câu hỏi để ngỏ: "Chú ơi! Chú nằm lại nơi đâu?".
………………………………
Tuyên Quang 16 tháng 2 năm Quý Mão (2023)
P.H.CTrái tim người lính