Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới đây đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ nguy kịch sau khi bị ong đốt.
Khoảng 18h ngày 12/8, Khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận trường hợp bệnh nhân L.T.T (17 tuổi, ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc) vào viện trong tình trạng rối loạn tri giác, khó thở, mạch nhanh, tụt huyết áp kèm nổi ban đỏ toàn thân.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, chiều cùng ngày, bệnh nhân đi rừng không may bị ong đất (còn gọi là ong bắp cày) đốt nhiều nốt vào đầu và mặt. Sau đốt xuất hiện nổi ban, sưng, đỏ khắp cơ thể. Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện.
Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh BVCC |
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ do ong bắp cày đốt.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí theo phác đồ cấp cứu phản vệ. Các biện pháp hồi sức, đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc chống sốc, truyền dịch, vận mạch liều cao, giảm đau được thực hiện. Tuy nhiên, tiên lượng vẫn hết sức nặng nề. Bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nọc độc, ong đốt, kiến đốt... hay các thực phẩm không phù hợp với cơ thể mỗi người như: cá, tôm, tép...
Tình trạng sốc phản vệ giải phóng các chất trung gian hóa học làm rối loạn đa cơ quan trong cơ thể với các biểu hiện: rối loạn tri giác, mẩn ngứa, đau bụng, buồn nôn, khó thở do khí, phế quản co thắt, đặc biệt là gây tụt huyết áp, đe dọa trực tiếp tính mạng. Việc phát hiện, xử trí đúng, kịp thời sốc phản vệ sẽ tránh để lại hậu quả đáng tiếc cho người bệnh.
Thời gian gần đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp sốc phản vệ nguy kịch do ong đốt, kiến đốt. Bác sĩ khuyến cáo người dân:
Sau khi bị ong đốt, kiến đốt hay sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống, nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường như nổi ban đỏ toàn thân, ngứa kèm khó thở, đau bụng, buồn nôn, nguy kịch hơn là tình trạng rối loạn ý thức, tụt huyết áp, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Người dân khi đi rừng cần trang bị mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín để tránh bị ong đốt, kiến đốt.
Tầm soát, khám bệnh để xác định bản thân có tình trạng dị ứng với các dị nguyên cụ thể. Tránh sử dụng các loại thuốc, thực phẩm, hóa chất mà bản thân dị ứng. Luôn mang trên người giấy ghi thuốc gây dị ứng, giúp nhân viên y tế có thể lựa chọn các biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời.
Giang ThuSự kiện: Tin Tức Y Tế