Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin về hoa quả nhập khẩu để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc.
Bát nháo thị trường bán lẻ hoa quả “xịn”
Những năm gần đây, thị trường Việt Nam xuất hiện rất nhiều loại hoa quả được cho là nhập khẩu từ Australia, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ai Cập, Nam Phi, Chile, Ecuador... Nếu như trước kia, hoa quả nhập khẩu chủ yếu được bán tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nhập khẩu, trung tâm thương mại với mức giá “tiền triệu” thì nay hoa quả “ngoại” được bán trong các quầy hàng ở chợ, qua mạng xã hội với lời quảng cáo là hoa quả xách tay, nhập khẩu chính ngạch kèm cả hình ảnh tem nhãn có dòng chữ HACCP, GolbalGAP...
Mức giá các loại hoa quả nhập khẩu hiện khá “mềm”, thậm chí chỉ nhỉnh hơn hoa quả nội địa vài chục nghìn đồng/kg. Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng rất tin tưởng vào chất lượng trái cây nhập khẩu, lo ngại rằng trái cây nội địa bị lạm dụng hóa chất trong khâu canh tác và xử lý sau thu hoạch.
Chị Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường chọn mua hoa quả nhập khẩu để đi biếu hoặc bày biện trong các dịp cúng giỗ, lễ Tết, ngày rằm, mồng một. Vì hoa quả nhập khẩu thường có hình thức đẹp, kích cỡ lớn, hương vị lạ và hấp dẫn, “sang” hơn so với các loại trái cây thông thường. Hơn nữa, đây lại là những loại trái cây nhập từ các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nên an toàn hơn”.
Nắm bắt tâm lý đó, để chứng minh nguồn gốc hoa quả nhập khẩu “xịn”, nhiều người bán hàng qua mạng thường ghi lại hình ảnh trái cây được mở từ thùng có những dòng chữ USA, Newzealand... hoặc hình ảnh về việc nhận hàng trực tiếp từ sân bay để củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Về chất lượng, trái cây nhập khẩu luôn được người bán cam kết bằng... miệng, rằng "100% tự nhiên, sạch và an toàn cho sức khỏe".
Nhập nhằng xuất xứ
Hoa quả nhập khẩu chính ngạch cần đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, khối lượng lô hàng của cơ quan quản lý nông nghiệp các nước, tờ khai hải quan khi xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu của Chi cục Kiểm dịch thực vật trong nước và tờ khai hải quan khi nhập khẩu...
Thế nhưng chẳng có ai kiểm chứng những cam kết của người bán có chính xác hay không. Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng sẵn sàng trộn lẫn sản phẩm Trung Quốc và dán các loại tem, nhãn mác giả.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy hàng loạt hoa quả mang nhãn mác nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng minh xuất xứ. Ông Hoàng Hùng Thiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: “Từ ngày 12-7-2022 đến ngày 15-9-2022, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 16 vụ. Hiện có 13 vụ đã được xử lý, 3 vụ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xử lý. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính với tổng số tiền 50.650.000 đồng; trị giá hàng phải tịch thu, tiêu hủy là 36.956.000 đồng; hàng hóa vi phạm gồm 1.168,5kg trái cây các loại”.
Trước đó, chiều 15-9, Đội Quản lý thị trường số 17 đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu “Huyền Long Biên” ở địa chỉ 39 phố Hồng Hà (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) và thu giữ 120kg hoa quả nhập khẩu nhưng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không có nhãn phụ theo quy định, trị giá hàng hóa 9,9 triệu đồng.
Trong hai ngày 14 và 15-9, Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ 355kg hoa quả “nhiều không” (không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng sản phẩm...), gồm 54kg nho sữa, 36kg quýt, 58kg táo, 72kg hồng táo, 12kg mận Mỹ, 20kg kiwi, 38kg lựu... Đội Quản lý thị trường số 13 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh trái cây Fresh Fruits tại địa chỉ số 160 Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phát hiện cơ sở bày bán dưa lưới Nhật Bản và lựu Peru nhưng không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật... Hiện Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh trái cây không có hóa đơn chứng từ chứng minh chất lượng, nguồn gốc hàng hóa.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng nên cẩn trọng và cần kiểm tra kỹ thông tin về hoa quả nhập khẩu để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.