Công chức nghỉ việc gần 30 năm trước, làm giúp việc cao cấp cho người nước ngoài
Tuyến bài: Chuyện người giúp việc
15/10/2023 05:35 (GMT+07:00)
"Năm 1996, mức lương khởi điểm nhà chủ trả cho tôi là 20 USD/tiếng. Tháng nào tôi đi làm nhiều, có khi tiền công mua được mấy chỉ vàng, gấp mấy lần làm nhà nước".
Từ vài chục năm nay, số lượng người nước ngoài chọn Việt Nam làm địa điểm du lịch hay sống, học tập và làm việc tăng mạnh mẽ. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhu cầu của cộng đồng những người nước ngoài tìm người giúp việc tăng lên, thu hút nhiều người lao động Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan (55 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cách đây gần 30 năm, bà đã đưa ra một quyết định mà bà tự đánh giá là táo bạo - nghỉ việc nhà nước để làm giúp việc cho người nước ngoài.
“Tôi trải qua 4 đời chủ, may mắn là gia chủ nào cũng vui vẻ, lịch sự, hòa nhã và tôn trọng mình. Công việc chính của tôi là ‘nanny’ - tức là bảo mẫu cho các em bé. Năm 1996, mức lương khởi điểm nhà chủ trả cho tôi là 20 USD/tiếng. Tháng nào tôi đi làm nhiều, có khi tiền công mua được mấy chỉ vàng, gấp mấy lần làm cơ quan cũ” - bà Lan tâm sự.
Chủ nhà khi đó làm việc ở một đại sứ quán tại Việt Nam, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bà Lan từng tốt nghiệp bằng C tiếng Anh, nhưng vẫn khá bối rối và gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp vì đã lâu không sử dụng.
Bà Lan hồi tưởng lại những kỷ niệm khi còn làm giúp việc cho người nước ngoài
“Tôi phải học lại tiếng Anh thông dụng. Ngoài ra, gia đình họ đưa ra một danh sách các yêu cầu cần tuân thủ khi tiếp xúc với trẻ con. Ví dụ, với trẻ nhỏ phải thường xuyên giao tiếp bằng giọng chuẩn ngữ pháp, không được nói nhại, nói ngọng để dỗ trẻ, làm bất kể việc gì cũng phải giải thích để em bé hiểu”.
Từ khi làm việc cho gia đình này, bà Lan thường đọc tạp chí Parenting (Nuôi dạy con cái) để cập nhật các cách thức, phương pháp nuôi dạy trẻ. Khi đứa trẻ hư, đòi hỏi một cách quá đáng, bà cũng đưa ra các hình phạt. “Ví dụ, trẻ 2 tuổi cư xử không đúng sẽ phải ngồi ở góc nhà, không được chơi đồ chơi trong vòng 2 phút để suy nghĩ về hành động mình làm”.
“Với bé lớn hơn, ngoài giờ học ở trường, bé có nửa tiếng để làm bài tập về nhà. Sau nửa tiếng đó, bé sẽ được chơi với bạn hoặc chơi tại nhà, hoặc xem tivi nửa tiếng/ngày. Một hôm, bé chưa xem hết bộ phim hoạt hình nhưng đã đến giờ ‘giới nghiêm’, tôi liền tắt tivi và giải thích rằng đã hết thời gian xem. Bé giãy nảy đòi xem thêm vài phút nhưng tôi vẫn cương quyết không đồng ý”.
Sau nhiều năm làm việc với các gia chủ người nước ngoài, bà Lan có nhiều kỷ niệm vui buồn, và cũng có những tình huống khiến bà “giật mình thon thót”.
Bà kể: “Có lần tôi trông hai chị em, đang mải nhìn cô chị thì đứa em nhét nilon vào miệng, hóc, nước mắt nước mũi tứa ra, mặt đỏ ngầu. Tôi hoảng hồn, nhưng do đã được học khóa sơ cứu y tế từ trước đó nên tôi bình tĩnh trở lại và lấy được mảnh nilon ra khỏi họng đứa trẻ. Đúng là may mắn”.
“Lần khác, tôi làm bảo mẫu cho gia đình có hai bé trai rất nghịch ngợm. Buổi sáng hôm ấy khi đang nấu cơm trong bếp, bé lớn kéo dây lò vi sóng, làm cái lò chấp chới suýt chút nữa rơi vào đầu đứa bé. Tôi quăng vội đồ làm bếp và kéo đứa bé ra. Từ đó, nhà chủ biết ơn lắm. Mà hôm đó đứa bé có làm sao, tôi cũng ân hận”.
Có một kỉ niệm khó quên khác mà bà nhớ mãi về sự chu đáo mà gia chủ dành cho mình. Đó là khi nhà chủ sang Hong Kong (Trung Quốc) để sinh em bé thứ 2, họ cũng nhờ bà Lan đi cùng để trông bé lớn.
Thời đó điện thoại di động chưa phổ biến và cũng là lần đầu tiên bà đi nước ngoài nên chủ nhà thường xuyên tìm cách để bà gọi điện thoại bàn về cho gia đình. Họ cũng đưa bà đi chơi đây đó để vơi đi nỗi nhớ nhà. Giờ bà nghĩ lại kỷ niệm đó vẫn còn thấy “rưng rưng”.
Hết nhiệm kì công tác tại Việt Nam, có gia chủ mời bà đi cùng, sang làm tại nước tiếp theo, vì họ làm cho các tổ chức phi chính phủ. Nhưng bà không thể đi vì còn vướng bận bố mẹ già và con nhỏ.
Dù không còn ở Việt Nam nhưng sau này, tất cả các gia chủ đều giữ liên lạc với bà. Họ cho con cái sang thăm lại Việt Nam vì rất nhớ bà “nanny” chu đáo ngày xưa.
Chứng chỉ tập huấn cấp cứu ban đầu của bà Lan do Hội chữ thập đỏ Hà Nội cấp
Trái ngược với sự may mắn của bà Lan, bà Hoài (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trông trẻ cho một gia đình người Pháp làm ở một tổ chức quốc tế. “Gia đình đó bảo rằng nghe nói người Việt thường cho trẻ con uống thuốc ngủ, để trẻ ngủ triền miên, đỡ phải trông nom”. Bà Hoài cũng có thâm niên cao trong nghề, không chịu được sự thiếu tôn trọng của nhà chủ, cuối cùng đã xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trường hợp hi hữu. Khi bà Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) - bạn của bà Lan - làm “cleaner” - người dọn dẹp cho gia đình người nước ngoài, gia chủ thấy gia cảnh bà chỉ có một mẹ một con, con trai bà lại học rất giỏi, họ liền nhận làm con nuôi, tài trợ cho đi du học ở Mỹ.
Khi nhắc đến làm giúp việc cho “Tây”, nhiều người lắc đầu từ chối vì trở ngại ngôn ngữ và cho rằng người nước ngoài thường có yêu cầu cao. Nhưng ngược lại, với những người đã hiểu văn hoá của gia chủ thì đây lại là một cơ hội tốt. Làm việc với người nước ngoài thường nhận được thù lao cao, được tôn trọng, xứng đáng với công sức mà người lao động bỏ ra.
Khi nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình ngày càng tăng thì chuyện xoay quanh người giúp việc và chủ nhà càng phong phú, trong đó có nhiều tình huống cảm động. Nhưng cũng có những cuộc sống chung khiến đôi bên nhận về bi kịch và những tình huống dở khóc dở cười.VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện người giúp việc để người đọc có thêm góc nhìn về mối quan hệ này. |
Châu Thuỳ Linh
Cuộc sống ở biệt thự triệu đô, đi máy bay riêng của bảo mẫu nổi tiếng
MỸ - Từ một cô gái học chuyên ngành thời trang, Andreza rẽ ngang sang làm bảo mẫu. Cô không thể ngờ rằng đây là bước ngoặt khiến cuộc sống thay đổi mãi mãi.
Nhận lời nuôi con riêng cho gia chủ, người giúp việc sống day dứt suốt 5 năm
Suốt 5 năm, kể từ ngày nhận lời nuôi con riêng cho ông chủ và cô nhân tình trẻ, người giúp việc luôn sống trong tâm trạng day dứt, lo âu.
Nữ giúp việc uất ức kể chuyện chủ 'soi' từng miếng ăn, đêm không cho bật quạt
Thương bà Xoan, mấy giúp việc cùng chung cư gọi bà ra ngoài, xuống sân chơi để cho thức ăn. Bà phải ăn xong mới dám quay trở lại nhà chủ.
Bình luận