Báo The Sun của Anh vừa đăng tải bài viết về những dấu hiệu ở ngón chân cảnh báo một người có thể mắc bệnh tiểu đường.
Theo đó, bệnh tiểu đường có bốn dấu hiệu phổ biến: đi vệ sinh nhiều, rất khát nước và không thể làm dịu cơn khát, mệt mỏi hơn bình thường, trông gầy hơn bình thường và sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
Nhưng ngón chân cũng có thể là bộ phận giúp báo hiệu bệnh tiểu đường.
Ngón chân cũng có thể là bộ phận giúp báo hiệu bệnh tiểu đường.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), nếu bạn bị tiểu đường, bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn và do đó, các vết cắt và vết thương lành lâu hơn.
Bàn chân thường là nơi biểu hiện biến chứng của bệnh tiểu đường và có một số dấu hiệu trên ngón chân có nghĩa là bạn cần đi khám bác sĩ.
NHS nêu rõ: "Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lượng máu cung cấp đến bàn chân và gây mất cảm giác - được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Do đó, vết thương ở chân có thể mất nhiều thời gian hơn để lành và bạn có thể không nhận thấy điều này nếu bàn chân bị đau hoặc bị thương".
Do đó, để nhận biết sớm bệnh tiểu đường, bạn có thể thường xuyên kiểm tra ngón chân của mình.
Cụ thể, hãy kiểm tra xem phần da quanh móng chân có bị nhiễm trùng hay không. Một số dấu hiệu là da xung quanh móng chân bị đau, đỏ và mềm bất thường. Trong một số trường hợp, móng có thể chuyển màu vàng và rụng. Đây là những dấu hiệu của bệnh viêm quanh móng (Paronychia).
Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng da hơn và có nhiều khả năng mắc viêm quanh móng. Lý do là vì lượng đường trong máu cao có thể làm suy yếu hệ thống phòng thủ miễn dịch.
Nếu bạn bị bệnh viêm quanh móng mãn tính hoặc các vấn đề khác ở ngón chân, thì bạn cần phải đi khám bác sĩ vì có thể bạn đã mắc bệnh tiểu đường mà chưa được phát hiện.
Chuyên gia về chân người Anh Mike O'Neill khuyến cáo thêm: "Nguy cơ biến chứng [tiểu đường] có thể giảm đáng kể nếu bạn có thể kiểm soát mức đường huyết của mình. Đảm bảo huyết áp và mức cholesterol của bạn cũng được theo dõi và kiểm soát bằng thuốc nếu cần".
Dấu hiệu lạ ở chân báo hiệu cần gặp bác sĩ
Nếu bạn bị tiểu đường và bị phồng rộp chân hoặc có các vết thương lâu lành ở chân, bạn cần đến gặp bác sĩ.
Ngoài ra, theo NHS, các vấn đề ở chân có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau:
- da bàn chân bị nứt và chảy dịch ra ngoài
- da đổi màu, trở nên đỏ, xanh hoặc nâu thẫm
- nơi có vết phồng rộp hoặc chấn thương sưng to thêm
- đỏ xung quanh vết loét
- mẩn đỏ ở một khu vực từng gặp vấn đề trước đây