Hà Nội một sáng sớm trời mưa bay, có một cậu bé đứng một mình bên đường, bên cạnh là chiếc túi đựng bộ quần áo, vài chiếc bỉm, một bình sữa còn ấm và vài món đồ chơi cùng với mảnh giấy ghi tên và ngày tháng năm sinh của con.
Hình ảnh cậu bé kháu khỉnh cười khoe những chiếc răng nhỏ xíu được chia sẻ ngập tràn trên các trang mạng khiến lòng người mẹ như tôi quặn thắt.
Khi tôi đọc tin ấy, cậu con trai hai tuổi của tôi còn cuộn tròn trong chăn, thỉnh thoảng quơ tay tìm vòng ôm của mẹ. Và tôi tự hỏi, khi người thân của con pha cho con bình sữa cuối cùng rồi quyết định bỏ rơi con giữa phố, họ đã nghĩ gì, có đau đớn lắm không?
Dứt ruột sinh con ra xin đừng bỏ con (Ảnh minh họa: Getty Images).
Vài hôm sau, cũng ở Hà Nội, lại có thêm hai bé gái mới chỉ hơn một tháng tuổi bị bỏ rơi. Trên hai chân nhỏ xíu của các con vẫn còn vòng đeo của bệnh viện ghi tên tuổi mẹ. Trong thư để lại, người mẹ trẻ viết: "Tôi chưa lập gia đình, chẳng may lỡ dở, sáng 25.8 sinh ra hai cháu lại sinh non nên không thể nuôi được. Tôi đành từ bỏ các cháu. Mong ai nhặt các cháu sẽ cưu mang nuôi nấng các cháu nên người". Hai đứa trẻ, hai cuộc đời, có mẹ mà trong phút chốc không khác gì trẻ mồ côi.
Và vừa rồi, trên mạng lại xuất hiện clip ghi lại cảnh một phụ nữ bế con (được cho là ở Sóc Trăng) vào quán nước ngồi, đợi khi quán vắng khách, bà chủ vào trong đã đặt bé lên võng rồi quay lưng bỏ đi mà ko hề ngoái đầu lại nhìn con lấy một lần. Cho tới khi em bé khóc quá lớn thì mọi người mới tá hỏa nhận ra mẹ em bé đã bỏ con lại quán nước mà không để lại bất cứ một thông tin gì.
Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp những đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Những trách móc rất nhiều, những cảm thông cũng có. Vẫn biết, cuộc đời này có muôn vàn nỗi éo le, có những lựa chọn trong cuộc đời là bất đắc dĩ. Thế nhưng, khoảnh khắc một người mẹ từ bỏ chính đứa con mình mang nặng dứt ruột sinh ra để nó bơ vơ giữa cuộc đời không biết sống chết ra sao, lẽ nào lòng họ không đau? Hay nỗi đau ấy không đủ lớn để có thể khiến họ giữ con ở bên mình, cho mình quyền làm một người mẹ đúng nghĩa.
Cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng công nhân quê ở Thái Nguyên, người dân tộc. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh chị lên Hà Nội làm công nhân, thương nhau rồi nên duyên chồng vợ. Sinh con gái đầu lòng, vì không có ai trông con, chị quyết định cai sữa sớm gửi con về quê cho ông bà nội. Lúc đó chị nghĩ "chỉ cần vợ chồng có thể đi làm, có thể kiếm tiền để nuôi con và trang trải cuộc sống, thì con ở đâu cũng được".
Một lần, con gái bị ốm, chị về đưa con lên Hà Nội khám. Cô bé ba tuổi thường ngày ít nói, nhưng gặp mẹ thì bi bô tíu tít không ngừng. Đến bữa cơm, cô bé chỉ đòi ăn mì tôm. Cô bé nói: "Bà nội bảo con ngoan để bố mẹ đi làm kiếm tiền mua thịt, nếu không thì chỉ ăn mì tôm suốt ngày thôi. Con không cần ăn thịt. Mẹ cho con ở với mẹ, con ăn mì tôm cũng được".
Giây phút ấy, chị không thể kìm nén cảm xúc mà ôm con vào lòng, vừa ôm vừa khóc. Giờ chị mới nhận ra, đối với một đứa trẻ, không có gì quan trọng hơn mẹ. Sau hôm đó, anh chị để con ở luôn Hà Nội, cho con đi học mẫu giáo. Nhà có con nhỏ, mỗi giờ tan ca, mỗi tối bữa cơm sum vầy, có ba người mà vui như hội.
Bà cụ cạnh nhà tôi khi đọc những tin này thì chép miệng: "Con không chê cha mẹ khó", chỉ có cha mẹ vì lý do này nọ mà "chê" con thôi. Ngày xưa các cụ đói nghèo là thế, đông con là thế mà có bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ rơi con đâu. Sao bọn trẻ bây giờ nó lại bỏ con mình dễ dàng như thế". Câu hỏi của cụ thực ra không cần trả lời, nghe chỉ để buồn thôi.
Nhiều người nghĩ rằng mình sinh con ra, không lo cho con được cuộc sống đủ đầy thì thôi cho người khác nuôi. Biết đâu người ta giàu có hơn, người ta thương con mình thì đời con đỡ khổ. Nhưng với một đứa trẻ, có gì quan trọng hơn việc được sống với mẹ cha. Có gì bất hạnh hơn cảm giác bị bỏ rơi để rồi một ngày nhận ra mình đã bị chính những người thân bỏ rơi như trút bỏ một gánh nặng.
Thật thương khi nghĩ rằng, không phải đứa trẻ nào cất tiếng khóc chào đời cũng khiến bố mẹ dâng trào niềm hạnh phúc. Nhưng con đâu có quyền lựa chọn được sinh ra, đâu có quyền được chọn mẹ cha cho mình. Con đến với cuộc đời này, dù vì tình yêu hay vì lầm lỡ thì con vẫn có quyền được ấp yêu trong vòng tay mẹ, được lớn lên bằng dòng sữa ngọt lành, được chăm sóc và chở che như tất thảy những đứa trẻ khác.
Hóa ra không phải cứ sinh ra một đứa trẻ là đủ tư cách làm cha, làm mẹ. Hóa ra có những người vì bản thân mình mà không màng đến tình thân máu mủ. Đành rằng "mỗi cây mỗi hoa", nhưng nếu nhận thức được mình không đủ trách nhiệm để sinh ra một đứa trẻ và nuôi chúng nên người thì đừng để điều đó xảy ra, đừng để mình rơi vào tình thế định đoạt cuộc đời con mình một cách tàn nhẫn đến thế.
Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi hầu như đều được những vòng tay bao dung của người đời đón nhận. Các con, nếu may mắn, có thể có một gia đình chăm sóc yêu thương mình, cho mình một gia đình, một mái ấm. Càng nghĩ lại càng buồn biết bao nhiêu, đến người dưng còn có thể mở rộng lòng cưu mang, sao bố mẹ lại có thể nhẫn tâm bỏ con mình giữa đường giữa chợ?