Dự đoán thế trận Nga

25/02/2023 09:57
Nga có thể tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực, trong khi Ukraine chờ cơ hội phản công mạnh khi viện trợ phương Tây đến.

 

CUỘC TẤN CÔNG MÙA XUÂN CỦA NGA

Báo Neue Zuercher Zeitung của Đức hồi tháng 1 dẫn một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức dự đoán các lựa chọn của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2023 với hai kịch bản khác nhau.

Kịch bản thứ nhất là Nga tập trung vào mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Cuộc tấn công này được cho là sẽ bắt đầu từ tháng 4/2023 với việc Belarus, đồng minh của Nga, triển khai quân đội gần biên giới Ukraine nhằm mục đích nghi binh.

Nếu kế hoạch thành công, Nga sẽ tìm cách thiết lập lưới phòng thủ kiên cố ở các khu vực giành quyền kiểm soát. Điều đó có nghĩa là bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm lấy lại Donbass có thể dẫn đến tổn thất nặng nề.

Kịch bản thứ hai là Moscow theo đuổi tham vọng lớn hơn: Kiểm soát toàn bộ Ukraine. Tuy nhiên, kịch bản này ít khả năng xảy ra hơn. Theo kịch bản này, lực lượng Nga sẽ tấn công ở phía nam từ Donbass, trong khi hàng chục nghìn binh sĩ Belarus tràn qua biên giới Ukraine ở phía bắc và tiến vào thủ đô Kiev. Để làm được điều đó, Nga sẽ phải tổng động viên sau khi đã huy động 300.000 tân binh hồi tháng 9/2022.

Giới quân sự Đức tin rằng, xác suất Nga chọn kịch bản này rất thấp vì những lý do chính trị nội bộ. Ngoài ra, việc huy động thêm quân cũng kéo theo nhiều thách thức như lực lượng tân binh ít kinh nghiệm chiến đấu cần thời gian huấn luyện, ngành công nghiệp quốc phòng Nga khó đáp ứng nhu cầu trang thiết bị.

Giới lãnh đạo Ukraine dự đoán, Nga sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công mới ở Donbass và các khu vực miền Nam Ukraine trước khi các xe tăng hạng nặng cũng như vũ khí tiên tiến từ phương Tây được chuyển giao cho Kiev. Dấu hiệu rõ nhất là việc Nga đã đưa thêm hàng chục nghìn quân đến miền Đông Ukraine, tần suất pháo kích cũng tăng dần.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu hiện tại của Nga là giành Bakhmut, tiến tới kiểm soát hoàn toàn Donbass. Mục tiêu này dường như thu hẹp so với giai đoạn đầu khi Moscow buộc phải tăng cường phòng thủ cho những vùng lãnh thổ đã nắm giữ.

Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Hoàng gia London, nhận định Nga dường như hy vọng một diễn biến quan trọng nào đó xảy ra như phương Tây hụt hơi viện trợ, Mỹ suy giảm ủng hộ Ukraine khi sức ảnh hưởng của đảng Cộng hòa tăng lên.

Một số ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng Nga sẽ tuyên bố đạt được mọi mục tiêu đề ra và chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine bất cứ lúc nào bởi mục tiêu Moscow đưa ra không thực sự rõ ràng. Chiều hướng của cuộc xung đột có thể phần nào được hé lộ khi Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang và công bố các chính sách vào ngày 21/2.

CƠ HỘI PHẢN CÔNG CỦA UKRAINE

Trong khi đó, với vũ khí ngày càng uy lực từ phương Tây, Ukraine có cơ hội lớn để phản công trong năm nay, song cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc Mỹ, Pháp, Đức và các đồng minh, đối tác phương Tây đồng loạt thông báo cung cấp xe tăng, xe chiến đấu bộ binh trong những ngày qua được xem là nguồn bổ sung đáng kể cho khả năng tấn công của Ukraine.

Thời tiết dường như cũng ủng hộ Ukraine, khi mùa đông ấm áp ở châu Âu giúp giảm giá năng lượng, hạn chế những tác động tiêu cực có thể làm xói mòn động lực hỗ trợ của châu lục dành cho Kiev.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, chiến dịch phản công vốn khó khăn hơn đáng kể so với việc phòng thủ, càng thách thức hơn với Ukraine do phụ thuộc vào nguồn cung khí tài từ phương Tây.

"Phòng thủ sẽ dễ hơn tấn công. Nga đã thiết lập các vị trí phòng thủ lâu dài. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu Ukraine có thể đạt được những gì họ muốn là đẩy Nga sang bên kia đường biên giới trước ngày 24/2, hay thậm chí có thể giành lại Crimea hay không", Rob Lee, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, bình luận.

Kiev khó tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn bởi lực lượng vũ trang nước này thiếu các phương tiện cần thiết, đặc biệt là xe bọc thép chở quân nhân, xe chiến đấu bộ binh và xe tăng.

Dự đoán thế trận Nga

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành ở Donbass hồi tháng 6/2022 (Ảnh: Getty).

Theo các chuyên gia, cơ hội của Ukraine phản công và đẩy lùi quân đội Nga được dự đoán sẽ chỉ mở ra vào nửa cuối năm nay khi Kiev được tiếp cận nguồn vũ khí hiện đại từ phương Tây. Trước khi có thể phản công, Ukraine sẽ phải đương đầu với đợt tấn công mới của Nga được dự đoán diễn ra trong mùa xuân hoặc mùa hè này.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định: "Năm nay Ukraine sẽ rất khó khăn để đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ hoặc các khu vực mà Nga kiểm soát. Điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra hay sẽ không xảy ra mà là rất khó xảy ra".

Chuyên gia Elizabeth Shackelford thuộc Hội đồng các vấn đề toàn cầu (Mỹ), cảnh báo nếu Kiev không thể đạt được những bước đột phá đáng kể trước lực lượng Nga trong năm nay, thì xung đột sẽ trở thành một cuộc chiến kéo dài và có lợi cho Moscow.

"Năm 2023 thực sự quan trọng. Nếu chiến tranh không kết thúc trong năm 2023, Nga sẽ có ưu thế rất lớn. Ukraine hiện vẫn có cơ hội vì vẫn có sự hỗ trợ rất mạnh mẽ, nhưng sau đó, cơ hội sẽ không còn", bà Shackelford nhấn mạnh. Bà lưu ý thêm: "Nếu Nga có thể biến xung đột thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài nhiều năm, họ có thể chờ đợi đến lúc Ukraine thất bại. Nỗ lực của Kiev có thể vẫn kéo dài một thời gian nữa, nhưng cơ hội của họ sẽ giảm sút theo thời gian".

PHƯƠNG TÂY VÀ NHỮNG LẰN RANH ĐỎ

Binh sĩ Mỹ chuyển khí tài viện trợ cho Ukraine lên máy bay vận tải hồi tháng 2/2022 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Những cơ hội mà chuyên gia Shackelford đề cập đến dường như là từ sự hỗ trợ bền bỉ của phương Tây. Sự sẵn sàng của phương Tây cung cấp các vũ khí có khả năng tấn công trên bộ và trên không hiện đại hơn cho Ukraine được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cục diện xung đột Nga - Ukraine trong năm 2023.

Theo ước tính của hãng tin TASS, trong năm 2022, Ukraine đã nhận được hơn 48,5 tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây. Khoản tiền này gần bằng 95% tổng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm là 51,1 tỷ USD.

Dựa trên các tuyên bố chính thức của các quốc gia viện trợ và ước tính của các phương tiện truyền thông, báo cáo cho biết tổng viện trợ mà Ukraine đã nhận được từ phương Tây và các tổ chức quốc tế kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cuối tháng 2/2022 đã chạm tới con số chưa từng có, hơn 150 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với ngân sách của Ukraine trong năm.

Chính sách viện trợ của phương Tây luôn bám sát tình hình trên chiến trường Ukraine. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các loại vũ khí hạng nặng, vũ khí tấn công tầm xa như xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa, bom chiến thuật, máy bay chiến đấu đều nằm ngoài danh sách viện trợ.

Phương Tây đặt ra những giới hạn nhất định trong viện trợ Ukraine để tránh bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, cùng với tính chất phức tạp của cuộc chiến, "lằn ranh đỏ" đó cũng dần thay đổi.

Hôm 14/1, lằn ranh đỏ của phương Tây chính thức bị phá vỡ khi chính quyền của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. Anh là quốc gia đầu tiên công khai cam kết viện trợ xe tăng chiến đấu cho Ukraine và lập tức tạo ra "hiệu ứng domino". Một loạt quốc gia khác, gồm Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Na Uy cũng thông báo sẽ chuyển xe tăng chủ lực cho Kiev.

Giới phân tích cho rằng, những động thái này của phương Tây có thể hỗ trợ Ukraine ngăn chặn đà tiến của lực lượng Nga vào mùa xuân, nhưng khó giúp họ mở những đợt phản công chớp nhoáng như hồi cuối năm ngoái. "Nếu phương Tây bắt đầu chuyển xe tăng, thiết giáp, rocket tầm xa cho Ukraine từ đầu mùa hè 2022, Nga đã không có cơ hội giành thế chủ động như hiện nay", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định.

Ukraine cho biết, thứ họ cần bây giờ, ngoài xe tăng, hệ thống phòng không, còn là máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa. Họ cũng tin rằng, trong tương lai gần máy bay chiến đấu sẽ không còn là vùng cấm trong chính sách viện trợ của phương Tây khi xét đến nhu cầu của Ukraine để đối phó các cuộc tập kích diện rộng của Nga.

"Ukraine càng sớm nhận được vũ khí hạng nặng tầm xa, phi công chúng tôi càng sớm nhận được máy bay thì chiến dịch quân sự của Nga càng sớm chấm dứt và chúng ta sẽ có lại hòa bình ở châu Âu", Tổng thống Ukraine Zelensky nói.

Theo giới phân tích, những tiêm kích hiện đại phương Tây sẽ mang lại cho Ukraine năng lực chưa từng có để tấn công phía sau phòng tuyến Nga, đồng thời ngăn chặn máy bay Nga phóng tên lửa hành trình vào các hạ tầng quan trọng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh đang thảo luận việc gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuy nhiên, trước mắt, các nước thành viên tập trung đáp ứng những khí tài đã cam kết viện trợ, đặc biệt đáp ứng nhu cầu đạn dược khổng lồ ở Ukraine.

"Chiến sự tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của đồng minh. Tốc độ tiêu thụ đạn hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần năng suất hiện tại của chúng tôi. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi vào tình trạng căng thẳng", người đứng đầu NATO thừa nhận.

Theo ước tính của giới chuyên gia, Ukraine đang bắn khoảng 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, bằng khoảng 1/3 lượng đạn pháo mà Nga sử dụng hàng ngày trên chiến trường và tương đương lượng đạn pháo một số quốc gia châu Âu đặt mua trong cả một năm. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang trở thành trận đấu pháo và bên nào sản xuất được nhiều đạn pháo hơn sẽ giành ưu thế.

Nếu phương Tây có kế hoạch ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài, các nước này sẽ cần sản xuất vũ khí với tốc độ nhanh hơn để thay thế các vũ khí vận chuyển cho Kiev. Hiện tại chỉ có Mỹ cho biết sẽ thực hiện điều này và sẽ cần thời gian ít nhất một năm. Cho đến lúc đó, Ukraine cần sử dụng hiệu quả hơn các kho dự trữ đạn dược hiện có.

Câu chuyện tương tự với nguồn cung xe tăng. Hiện nay, xe tăng Leopard 2 được sản xuất với tốc độ 2 chiếc/tháng và tính cả thời gian vận chuyển có thể lên tới 3 năm. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/8 so với tỷ lệ sản xuất xe tăng của Nga.

Trong khi nhiều nước phương Tây cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi cần, Nga đặt cược vào kịch bản, trong năm 2023, phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi với cuộc xung đột và giảm bớt sự ủng hộ Kiev. Giới chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay.

NHỮNG ẨN SỐ CHI PHỐI

Chiều hướng xung đột Nga - Ukraine có thể được hé lộ qua bài Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 21/2 (Ảnh: Getty).

Ít nhất ở thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn kiên định với tuyên bố hỗ trợ Ukraine "đến khi cần" ngay cả khi các kho dự trữ quân sự của họ dần cạn kiệt, những gánh nặng về tài chính ngày càng lớn. Tuy nhiên, những biến động chính trường có thể sẽ chi phối điều này trong thời gian tới.

Đầu tiên là sự thay đổi cơ cấu quyền lực ở quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái. Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, đồng nghĩa với chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các chương trình viện trợ Ukraine và vị thế của những người phản đối viện trợ không giới hạn cho Ukraine sẽ được mạnh hơn rõ rệt.

Trước khi trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy, từng nói: "Nếu đảng phe Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ, họ sẽ không tiếp tục viết ngân phiếu vô tận cho Ukraine".

Theo chuyên gia Elizabeth Shackelford, tuy sự ủng hộ của châu Âu rất quan trọng về mặt chính trị với Kiev, phần lớn các khoản hỗ trợ quân sự đều đến từ Washington. Nếu nguồn cung này bị hạn chế, đó sẽ làvấn đề đáng lo ngại cho Ukraine.

Bầu cử tổng thống ở Mỹ, Nga, Ukraine trong năm 2024 được tin là sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến lựa chọn của lãnh đạo các nước này, từ đó tác động đến xung đột Nga - Ukraine.

Trong thời gian tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cân nhắc thời điểm thích hợp để khuyến khích Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Trong khi đó, Nga có thể đưa ra những quyết định mang tính chiến lược nhằm chấm dứt xung đột do Điện Kremlin cần một môi trường ổn định và tích cực để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Về phần Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông sẽ không thể chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp nào về lãnh thổ. Hoãn bầu cử không phải là một lựa chọn, nhưng tổ chức bầu cử trong thời chiến là một thách thức lớn về hậu cần.

Mâu thuẫn chính giữa Nga và Ukraine hiện nay nằm ở việc Nga không chấp nhận từ bỏ các vùng lãnh thổ mới sáp nhập, không từ bỏ các mục tiêu đề ra khi phát động chiến dịch quân sự. Ngược lại, Ukraine tuyên bố không ngừng đấu tranh cho đến khi Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ, bao gồm bán đảo Crimea và vùng Donbass. Đó là lý do hòa đàm giữa Nga và Ukraine tiếp tục bế tắc và xung đột khó chấm dứt trong năm nay.

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

Minh PhươngTheo Washington Post, Stuff, Global Times, New York Times25/02/2023

Theo Nguồn dantri.com.vn

Dự đoán thế trận Nga - TIN TỨC