GS.TS Thái Kim Lan: “Dù đi đâu vẫn mang cốt cách và tâm hồn Huế”

29/08/2022 08:45
Tình yêu sâu nặng với xứ Huế là động lực thôi thúc GS.TS Thái Kim Lan xây dựng “Lan viên cố tích” và Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

 

Là người con mang trong mình cốt cách và tâm hồn của xứ Huế, GS.TS Thái Kim Lan đã cống hiến sức mình cho công cuộc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Sự ra đời của “Lan viên cố tích” và Bảo tàng gốm cổ sông Hương là minh chứng rõ nhất cho tình yêu ấy.

GS.TS Thái Kim Lan, tên đầy đủ là Thái Thị Kim Lan, sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc của Huế xưa. Ngoài sự ảnh hưởng gia phong và lễ giáo của gia đình, bản thân bà thuở thiếu thời cũng được theo học tại những ngôi trường nổi tiếng về giáo dục nhân cách và lễ nghi truyền thống của Huế như Quốc Học, Đồng Khánh, nên cái chất Huế trong con người bà vì thế càng thêm sâu đậm

GS.TS Thái Kim Lan: “Dù đi đâu vẫn mang cốt cách và tâm hồn Huế”

La GS.TS Thái Kim Lan - chủ nhân của “Lan viên cố tích” và Bảo tàng gốm cổ sông Hương. Ảnh: vietnam.vnanet.vn

GS.TS Kim Lan từng chia sẻ: thời điểm sang Đức du học, bà luôn có một khát khao đến cháy bỏng đó là học thành tài để giúp ích cho đất nước. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà đã trở thành GS - Tiến sĩ triết học giảng dạy về ngành triết học so sánh giữa triết học Đông phương với triết học Tây phương, đặc biệt tri thức luận về Phật học và tri thức luận Tây phương tại trường Đại học Tổng hợp Ludwig Maximilian ở Munich. Bà cũng từng về Việt Nam giảng dạy ở các Viện Phật học Huế và thành phố Hồ Chí Minh về triết học Tây phương; cộng tác với Viện Goethe Hà Nội để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá Đức Việt.

Là một nhà khoa học am hiểu sâu rộng triết học, văn học Đức cũng như thấm nhuần tư tưởng văn hóa Việt, GS.TS Thái Kim Lan đã dịch nhiều tác phẩm văn học, triết học có giá trị của Đức sang tiếng Việt cũng như tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Đức để tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Dù sống nơi xứ người hơn 50 năm, nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn cứ da diết trong sâu thẳm trái tim GS.TS Kim Lan. Để rồi bà đã quyết định trở về nước và mở ra một hành trình mới: khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương bằng nhiều dự án lớn, nhỏ khác nhau. Năm 2001, GS.TS Thái Kim Lan hỗ trợ Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) phục dựng lại vở tuồng cổ "Lộ Địch" vốn đã bị mai một, thất truyền từ sau 1975. Đây là một vở tuồng kinh điển, là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử tuồng cổ Việt Nam lấy cảm hứng từ đề tài văn học Pháp và được coi là mẫu mực của việc chuyển biên một tác phẩm sân khấu Châu Âu sang sân khấu truyền thống Việt.

Năm 2002, cũng chính nhờ GS.TS Thái Kim Lan, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã đem vở kịch này sang Đức biểu diễn trong suốt 2 tuần và để lại tiếng vang lớn trong lòng công chúng Đức. Với những đóng góp ấy, năm 2005 GS.TS Thái Kim Lan được trao giải thưởng Đào Tấn vì đã có công bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, GS.TS Thái Kim Lan thường xuyên về Huế hơn và dành nhiều thời gian cho các công việc liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Huế. Hiện bà đang tham gia giảng dạy cho lớp thạc sĩ triết học tại Học viện Phật giáo Huế. Bà đã trùng tu lại khu nhà vườn Từ đường Thái tộc ngay bên bờ sông Hương, cách chùa Thiên Mụ chừng 500m. Sau khi chuyển về sống ở đây, GS.TS Kim Lan đã dành rất nhiều thời gian chăm chút cho không gian có tên “Lan viên cố tích” này.

GS.TS Thái Kim Lan: “Dù đi đâu vẫn mang cốt cách và tâm hồn Huế”

GS.TS Thái Kim Lan tiếp những người bạn đến từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID). Ảnh: Tư liệu của nhân vật

Sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị, khu nhà vườn đã có thêm kiến trúc mới, đó là khu trưng bày gần 5.000 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ chính dòng sông Hương. GS.TS Kim Lan quyết định thành lập Bảo tàng gốm sông Hương và mời các nhà khoa học đến thẩm định niên đại cho những cổ vật trong bộ sưu tập của mình.

Theo kết quả thẩm định: có những cổ vật niên đại cách nay khoảng 2.500 – 3.000 năm; từ thời văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Lý, Trần, Lê cho đến Triều Nguyễn. Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam chỉ trưng bày những hiện vật gốm cổ được tìm thấy từ một dòng sông. GS.TS Kim Lan rất tâm đắc và mãn nguyện với việc thành lập Bảo tàng gốm sông Hương, xem như là một “trường tiểu học” về lịch sử và văn hóa Việt Nam để làm nơi gửi gắm, trao truyền lại chút gì đó cho đời sau.

Kể từ đó, GS.TS Kim Lan luôn bận rộn với các công việc tại khu nhà vườn như đón tiếp nhóm Đông Kinh cổ nhạc ở Hà Nội vào giao lưu với các nghệ sĩ Ca Huế, đón nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đến biểu diễn nhạc Trịnh và cùng nghe kể chuyện những kỷ niệm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế…  Ngoài ra, thường xuyên bà đón tiếp những người bạn Đức và bạn người nước ngoài, bạn người Việt ở nước ngoài về du lịch Huế.

Chia sẻ về hành trình mới, GS.TS Kim Lan cho biết: việc tu bổ, tôn tạo lại căn nhà vườn Huế không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ kiến trúc, khung cảnh mà còn là lưu giữ tâm hồn Huế. Đó là nơi để “Lan viên cố tích” trở thành điểm hẹn văn hóa để chủ nhân của nó làm nơi đón tiếp, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng thú vị về văn hóa truyền thống với những người bạn yêu Huế đến từ khắp nơi.

Theo Nguồn phunumoi.net.vn

GS.TS Thái Kim Lan: “Dù đi đâu vẫn mang cốt cách và tâm hồn Huế” - Phụ Nữ