Học chuyên Toán

10/08/2022 08:40
Được phát hiện khả năng từ sớm, học sinh chuyên Toán thường được bồi dưỡng trong các câu lạc bộ, rèn luyện và tập dượt qua nhiều kỳ thi cạnh tranh cao.

 

Giữa tháng 7, sáu học sinh Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2022 đều giành huy chương, trong đó có hai vàng, hai bạc và hai đồng, đưa Việt Nam đứng thứ 4 trong 104 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. So với năm ngoái, Việt Nam tăng 10 bậc với nhiều hơn một huy chương vàng.

Theo số liệu của IMO, Việt Nam bắt đầu góp mặt trong các kỳ thi Olympic Toán quốc tế từ năm 1974, hai lần vắng mặt năm 1977 và 1981, giành được tổng cộng 67 huy chương vàng, 113 huy chương bạc, 80 huy chương đồng, cùng hai giải thưởng danh dự. Việt Nam đạt vị trí cao nhất hạng 3 ở các năm 1999, 2007 và 2017.

Học chuyên Toán

Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế năm 2022 tại Na Uy giành hai huy chương vàng, hai bạc và hai đồng hồi tháng 7. Ảnh: MOET

Không chỉ ở IMO, khả năng học Toán của học sinh Việt Nam còn được công nhận qua các kỳ thi Toán học khác và kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA (lứa tuổi 15) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Việt Nam tham gia ba kỳ PISA và đều vượt mức trung bình của OECD. Kết quả kỳ PISA 2012 cho thấy, điểm trung bình Toán của học sinh Việt Nam đạt 511/494, xếp thứ 17 trong 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ở kỳ PISA năm 2015, Việt Nam đứng thứ 22 trong 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 495/490 điểm.

Năm 2020, so với 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Đông Timor, Brunei không tham gia IMO), Việt Nam xếp sau Thái Lan (thứ 5) và Singapore (thứ 16). Nếu tính thứ hạng trung bình từ năm 2011 đến năm 2020, Singapore ở hạng 7-8, Thái Lan 9 còn Việt Nam 12.

Theo nghiên cứu Mô hình đào tạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu toán ở Việt Nam:Thành tựu và Kinh nghiệm, Kỷ yếu hội thảo quốc tế IWME 2021, 431-450 của tiến sĩ Trần Cường và tiến sĩ Lưu Bá Thắng, khởi nguồn của phong trào học sinh giỏi Toán ở Việt Nam đến từ hệ chuyên Toán. Giáo sư Hoàng Tụy là người khai sinh ra hệ chuyên Toán ở Việt Nam sau khi đề nghị thành lập "lớp Toán đặc biệt" năm 1965.

Hệ thống trường chuyên, bắt đầu là hệ chuyên Toán, ở Việt Nam lấy cảm hứng và nhận ảnh hưởng lớn từ mô hình ở Liên Xô cũ gồm hai thành tố kết hợp chặt chẽ: phần ươm mầm, bồi dưỡng, đào tạo tài năng Toán học và phần huấn luyện thí sinh dự các kỳ thi có tính cạnh tranh cao ở tầm quốc tế về Toán sơ cấp. Mô hình chuyên Toán của Việt Nam đã tiếp thu, "phát huy xuất sắc" nửa thứ hai và có những thành tựu "đáng tự hào" ở nửa thứ nhất.

Để lựa chọn được những học sinh có năng khiếu Toán, hệ thống

chuyên Toán ở Việt Nam gần như tin cậy hoàn toàn vào một kỳ thi tuyển đầu

vào hàng năm của các trường chuyên. Kỳ thi diễn ra trước khi bắt đầu năm học mới (khoảng cuối tháng 5 hoặc tháng 6) với số lượng thí sinh tham gia thường gấp ba, bốn đến hàng chục lần số trúng tuyển.

Mỗi lớp chuyên Toán ở các trường này nhận vào học 30 đến 40 học sinh đạt điểm tổng cao nhất trong hai bài thi: Toán chung và Toán chuyên (dành riêng cho thí sinh thi chuyên Toán và chuyên Tin, tính điểm hệ số 2) và có một số trường chuyên tính cả điểm bài thi văn.

Để vượt qua kỳ thi đầu vào chuyên Toán, hầu hết thí sinh phải trải qua một quá trình rèn luyện công phu và tập dượt với hàng chục kỳ thi có tính cạnh tranh cao, thường bắt đầu từ đầu cấp trung học cơ sở.

Trước năm 1996, mô hình trường chuyên cấp THCS phát triển trên cả nước khi mỗi huyện đều có ít nhất một trường chuyên. Nhưng từ sau năm 1996, hệ thống này bị giải thể, các thí sinh tham dự kỳ thi đầu vào chuyên Toán thường theo học các khoá luyện thi tại câu lạc bộ (CLB) ngoài trường, phụ trách bởi những giáo viên kinh nghiệm. Các CLB như vậy đều bắt đầu tuyển sinh từ sớm (thậm chí lớp 5 hay lớp 6).

Khoảng 10 năm gần đây, những kỳ thi Toán có yếu tố nước ngoài bắt đầu du nhập vào Việt Nam như APMOPS, IMAS, Kangaroo, SASMO, WMTC, AMC... thường thu hút hàng nghìn thí sinh, tạo nên một phong trào rèn luyện Toán sôi nổi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

"Với những chuẩn bị như vậy, một học sinh thi đỗ vào lớp 10 chuyên Toán tại Việt Nam thường đã có kiến thức chuẩn bị phong phú, được rèn luyện nhiều dạng Toán phức tạp và có kinh nghiệm thi cử dày dạn", tiến sĩ Thắng, giảng viên khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay.

Ngô Quý Đăng, cựu học sinh chuyên Toán, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, là một ví dụ. Đăng biết làm Toán từ năm 4 tuổi và đam mê môn học này khi bước vào cấp hai. "Em đi học thêm nhiều, chịu được áp lực của việc học nhiều ca hay 9-10 tiếng một ngày", Đăng nói.

Năm lớp 9, Đăng thi học sinh giỏi Toán cấp quận rồi thành phố và giành giải nhất, được tuyển thẳng vào lớp chuyên Toán hoặc Tin của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Đăng lần đầu thi IMO và giành huy chương vàng năm lớp 10. Hai năm sau, em lặp lại thành tích đó nhưng với điểm tuyệt đối 42/42. Trong số các học sinh Việt Nam từng giành điểm tối đa IMO, Đăng là người thứ 9.

Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress sau khi trở về từ cuộc thi IMO lần thứ 63 tổ chức tại Na Uy, hồi tháng 7, Đăng cho biết em may mắn gặp được các thầy cô giỏi, được truyền cảm hứng học Toán từ họ.

Theo tiến sĩ Thắng, sự hướng dẫn, đồng hành bởi những giáo viên có chuyên môn rất quan trọng. Ông cho hay, đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia dạy học sinh chuyên Toán luôn được tuyển chọn khắt khe với tiêu chuẩn cao về bằng cấp; thường ưu tiên cựu học sinh chuyên Toán, những người từng tham dự và đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đặc biệt phải qua giai đoạn thử việc kỹ lưỡng.

Ở cuối chu kỳ thi cử, Việt Nam có một lực lượng hùng hậu những chuyên gia huấn luyện, bồi dưỡng cho đội tuyển Olympic tham dự kỳ thi Toán quốc tế IMO như các thầy Lê Anh Vinh, Đặng Hùng Thắng, Sĩ Đức Quang, Trần Nam Dũng, Lê Bá Khánh Trình, Vũ Đình Hòa, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Chu Gia Vượng, Lưu Bá Thắng, Phạm Đức Hiệp...

Theo tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình, Đại học Quốc gia TP HCM, để học tốt môn Toán, học sinh không chỉ cần có tố chất, khả năng tư duy, mà còn cả sự yêu thích, chăm chỉ, ý chí của bản thân, sự động viên của gia đình và quan tâm của thầy cô. Sự dìu dắt, tiếp sức và đam mê truyền đạt của người thầy góp phần vào việc phát triển tài năng đặc biệt của các em.

Thầy Trình từng học chuyên Toán của trường Quốc học Huế, được xem là hiện tượng của Toán học Việt Nam, từng dự IMO năm 1979 và giành điểm tuyệt đối 40/40. Cùng với huy chương vàng, thầy còn nhận thêm giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất.

Tiến sĩ kể, thời của ông, sách và tài liệu Toán hiếm, vì thế mỗi bài thầy giáo giao đều đáng quý, thấy như một chân trời mới muốn được tìm tòi và đào sâu. Học sinh ngày nay có điều kiện tốt để học Toán, dễ dàng tìm kiếm nguồn tài liệu và được cọ xát ở nhiều cuộc thi. Các trường chuyên cũng tập trung cho đội tuyển và thường mời chuyên gia giảng dạy.

Học chuyên Toán

Ngô Quý Đăng (phải) và Phạm Việt Hưng, cùng giành huy chương vàng, về tới sân bay Nội Bài hôm 18/7, sau thời gian sang Na Uy dự thi Olympic Toán học quốc tế 2022. Ảnh: MOET

Mục tiêu và động lực trực tiếp, mạnh mẽ nhất đối với các lớp chuyên Toán ở Việt Nam hiện nay là các kỳ thi học sinh giỏi và chính sách ưu tiên, đãi ngộ học sinh giỏi Toán của nhà nước. Sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, địa phương và các trường cho thấy môn Toán có tầm quan trọng lớn trong chương trình giáo dục.

Toán là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Theo quy định về số tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Việt có thời lượng nhiều nhất, sau đó đến môn Toán. Toán được học 105 tiết mỗi năm với lớp 1 và 175 tiết từ lớp 2 đến lớp 5. Số tiết Toán và ngữ Văn tương đương nhau, cùng 140 tiết với cấp THCS và 105 tiết ở cấp THPT.

Tháng 12/2020, thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có 5 đại học vào top 500 thế giới về Toán, trong đó có ít nhất hai trường trong top 400.

Bên cạnh những thành quả đạt được, các chuyên gia cũng cho rằng cần một chương trình đào tạo riêng cho học sinh năng khiếu Toán và giảm bớt hoạt động giải quá nhiều bài tập phức tạp, nặng về kỹ thuật nhưng có thể nghèo nàn về tầm nhìn, ý tưởng. Một giải pháp khác được đưa ra là tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy Toán ở bậc đại học với các cơ sở bồi dưỡng năng khiếu Toán. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu tham gia giảng dạy, bồi dưỡng tại trường chuyên, góp phần vào việc mở mang hiểu biết khoa học, hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Nhìn về tương lai Toán học của học sinh, thầy Trình lạc quan, cảm thấy vui khi mỗi lần đưa đội tuyển Olympic đi thi đấu, Việt Nam luôn nhận được sự kính nể từ các đội bạn.

"Đài Loan năm nay xếp sau Việt Nam, hẹn năm sau chiến đấu tiếp, còn Arab Saudi đặt mục tiêu năm năm nữa sẽ đứng trước chúng ta. Các nước đều cho thấy muốn đấu ngang ngửa với Việt Nam và cần phải nỗ lực để có một chỗ đứng như chúng ta", thầy Trình chia sẻ.

Bình MinhTrở lại Giáo dụcTrở lại Giáo dụcChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Học chuyên Toán - Gia Đình