Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có hơn 900 người khuyết tật sinh sống tại 13 xã vùng sâu và 1 thị trấn. 60% số người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động nhưng đa số sống phụ thuộc vào gia đình, không có nghề nghiệp ổn định. Người khuyết tật ít được đi học vì một phần do quan niệm của gia đình, một phần vì điều kiện đi lại và kinh tế khó khăn, vì vậy họ đều mong muốn có việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình.
Tuy nhiên cơ hội việc làm dành cho họ rất hạn chế. Vào năm 2007, thấy được những nhu cầu cần thiết của người khuyết tật, năm 2007 được sự giới thiệu của Sở Công Thương, Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng đã mạnh dạn đứng ra thành lập hợp tác xã với mong muốn giải quyết những khó khăn về việc làm, giúp người khuyết tật có thu nhập ổn định đồng thời xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cộng đồng. Ban đầu hợp tác xã có 18 thành viên, sau 2 năm tăng lên 38 thành viên, tham gia nhiều ngành nghề như: may, móc, đan len, ráp linh kinh (ráp áo len), sửa đồng hồ, trồng hoa lan...
Các thành viên HTX Vươn Lên
Hợp tác xã đã tổ chức cho thành viên được học nghề trong các dự án của Phòng Lao Động huyện, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, dự án Tây Ban Nha... để thành viên có nghề và có thu nhập bằng những nghề mà họ đã được học. Sau khi khóa học kết thúc, Hợp tác xã đã kết nối với các công ty len sợi của TP. Đà lạt nhận hàng gia công, tạo việc làm cho 30 thành viên là lao động nữ. Đến năm 2015, theo xu hướng của thị trường, hàng len kéo máy ngồi không còn được chuộng như trước. Một số thành viên cũng đã lớn tuổi nên không tham gia vào Hợp tác xã nữa, số lượng giảm xuống còn 30 thành viên. Ban Quản trị đã họp và bàn bạc chuyển hướng sang hàng len móc chuyên gia công, sản xuất thú nhồi bông bằng len, mũ, khăn, vớ len và in ấn, đánh máy, photo...
Cùng thời điểm đó, Hợp tác xã đã xây dựng dự án “Xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm & Dịch vụ văn phòng” gửi Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, Dự án được duyệt với số tiền đầu tư là 55 triệu đồng. Ban Quản trị Hợp tác xã đã phối hợp cùng Ban chấp hành Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng vận động các mạnh thường quân trong huyện và các thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện cửa hàng với tổng trị giá 240 triệu đồng. Đồng thời, dự án cũng được gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh xin hỗ trợ về máy móc, thiết bị cho dịch vụ in ấn và đã được duyệt với tổng trị giá 78 triệu đồng. Đến tháng 10/2015, cửa hàng được đưa vào hoạt động tạo việc làm thêm được cho 3 người khuyết tật có chuyên môn về dịch vụ văn phòng; hợp tác xã cũng tiếp nhận thêm 5 thành viên mới, nâng tổng số thành viên lên 38 người. Ban Quản trị đưa ra 3 phương án: sản xuất sản phẩm để bán trực tiếp tại cửa hàng; tiếp tục nhận hàng gia công thú nhồi bông bằng len; nhận ráp linh kinh (ráp áo len). Với 3 phương án này đã tạo việc làm ổn định cho 38 thành viên với mức thu nhập bình quân thêm cho gia đình 1,5 triệu đồng (hàng móc), 3triệu đồng (ráp linh kinh, phô tô, in ấn, đánh máy). Ngoài những thành viên trong hợp tác xã, còn tạo việc làm thêm cho 15 phụ nữ ở các xã Liên Hiệp, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa nhận hàng về gia công tận dụng thời gian nhàn rỗi; giúp cho 1 thành viên ra khỏi diện hộ nghèo.
Đại diện HTX Vươn Lên tham gia Gala Gặp mặt điển hình tiên tiến do Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức năm 2023 tại Hà Nội.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuỗi gia công bị đứt gãy, không có đơn hàng nên các thành viên không có việc làm, đời sống rất khó khăn. Trong tình hình đó, Ban Giám đốc Hợp tác xã đã triển khai vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho các thành viên. Hiện nay, tình hình dịch đã ổn định, đã có đơn hàng trở lại, tuy nhiên theo tình hình khó khăn chung của cả nước, đơn hàng tương đối ít nên Ban Giám đốc Hợp tác xã phải linh động tìm thêm các việc làm gia công khác như: dán thùng giấy, đóng túi trà… Hợp tác xã cũng đang đưa ra kế hoạch sản xuất đơn hàng thú nhồi bông bằng len (con cáo, ong, ông già Noel…) để phục vụ đơn đặt hàng bán sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, một số thành viên đã học may thì được Hợp tác xã tặng máy may đã qua sử dụng để sửa quần áo tại các chợ nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Do hội viên là người khuyết tật, năng lực hạn chế, sức khỏe kém nên di chuyển khó khăn. Hợp tác xã đưa ra 2 phương thức: một là sản xuất tập trung, hai là cho thành viên nhận hàng gia công mang về làm tại nhà. Hai kỹ thuật viên chính phụ trách mẫu mã sẽ hướng dẫn tại chỗ và mang hàng đến nhà cho mọi người gia công, khi thay đổi mẫu mã hàng mọi người sẽ tập trung tại Hội để được triển khai mẫu mới. Vì các thành viên có nhiều dạng tật khác nhau nên Ban Quản trị Hợp tác xã phải tìm hiểu và tìm những nguồn hàng phù hợp để nâng cao được hiệu quả sản xuất cho từng người. Tất cả thành viên rất kiên trì, chăm chỉ, tận tụy, có trách nhiệm với công việc và luôn tự khẳng định với bản thân rằng: “Tuy bản thân khuyết tật nhưng sản phẩm làm ra thì không bao giờ khuyết tật”.
Hoạt động theo mô hình tổ chức không lợi nhuận, sau nhiều năm nỗ lực xây dựng và tìm hướng đi để phát triển, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Vươn Lên – Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng đã trở thành mái nhà chung của những người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương cùng vươn lên, giúp nhau làm kinh tế, vượt qua tự ti, mặc cảm, hòa nhập cộng đồng./.