Làm dâu, ở rể không dễ chút nào
13 tháng 2, 2024 | 13:40
Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến ly hôn. Nhưng mâu thuẫn của các chàng "ở rể" gia đình vợ cũng có thể dẫn đến "tan nhà, nát cửa". Mời bạn theo dõi những mẫu chuyện dưới đây.
Thà ly hôn, tôi quyết không chi một đồng nào cho Tết nhà chồng nữa
Tết đã cận kề nhưng riêng năm nay, bước sang ngày 21 âm rồi mà mọi thứ vẫn chưa động tĩnh gì. Từ đầu tháng Chạp, tôi đã nói chuyện với chồng, chia sẻ trước với anh rằng năm nay cơ quan tôi gặp khó khăn, nên chắc chắn tôi không thể trông chờ vào khoản tiền thưởng Tết để tiêu pha như mọi năm. Vì thế, Tết năm nay, anh sẽ chủ động để lo Tết cho gia đình.
Những tưởng anh sẽ thấu hiểu mà động viên vợ, nào ngờ, chồng tôi buông một câu lạnh lùng: "Không có thì nhịn".
13 năm đi làm dâu, con trai đầu của tôi đã lên lớp 7 nhưng chưa bao giờ tôi được chồng chủ động đưa tiền tiêu pha cho gia đình dịp Tết, càng không có chuyện anh biếu ông bà ngoại tiền. Có chăng, chỉ là 200 ngàn, 500 ngàn mừng tuổi ông bà là cùng.
Thực ra, tôi chẳng phải giàu có gì để có thể gánh gồng Tết nhất nhà chồng. Nhưng vì hồi mới cưới, chồng tôi bảo, tôi là phụ nữ, chi tiêu có kế hoạch và chừng mực nên phần thu nhập của tôi dành lo cho gia đình; còn phần thu nhập của anh, để dành lo những việc lớn, chứ mỗi lúc rút lẻ ra tiêu pha, không dành dụm được.
Kể từ khi về làm dâu, mọi việc giỗ chạp, họ hàng, mẹ chồng tôi giao cả cho tôi. Bà bảo, nhà có mỗi mụn con dâu nên phải thay bà quán xuyến. Vậy là tết nhất, giỗ chạp, bà chỉ việc kê ra những việc cần làm để tôi thực hiện. Sau vài năm thành nếp, nghiễm nhiên các việc này là "nghĩa vụ" của tôi. Muốn chồng thể hiện trách nhiệm với gia đình, nên thi thoảng, cần lo việc, tôi vẫn hỏi tiền chồng nhưng lúc nào anh cũng điệp khúc "làm gì có, tiền còn để lo việc lớn".
Bạn bè biết chuyện, có người khuyên tôi phải cứng rắn và rõ ràng trong chuyện chi tiêu, đóng góp với gia đình của cả chồng lẫn vợ. Một vài lần tôi cũng đã nói chuyện nghiêm túc với anh, yêu cầu chồng có trách nhiệm với gia đình nhưng anh chỉ à uôm cho qua chuyện, đưa tiền được một hai lần rồi đâu lại vào đấy. Chán cảnh hỏi tiền chồng, tôi luôn cố gắng chi tiêu trong khoản thu nhập của mình.
Gần đây, tôi nghe phong thanh chồng tự ý đầu tư đất đai cùng cô em gái nhưng không cho vợ biết. Tôi đề nghị anh công khai tài chính với tôi song anh mắng tôi "thọc mạch, đàn bà đái không qua ngọn cỏ, biết gì buôn bán bất động sản mà lắm chuyện". Nhân việc này, tôi yêu cầu anh hàng tháng đóng góp với tôi các khoản chi tiêu chứ tôi sẽ không lo toan một mình nữa.
Tức thì anh quắc mắt bảo tôi "đang sống trong nhà của ai mà chia bôi tiền bạc". Tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong vì không ngờ, chồng tôi nghĩ tôi đang… sống nhờ trong nhà của bố mẹ anh! Phải chăng vì thế mà từ mẹ chồng cho đến chồng luôn cho rằng tôi phải có trách nhiệm chăm lo vô điều kiện cho nhà chồng?
Câu chuyện hỏi tiền Tết của chồng mới đây chỉ là cốc nước tràn ly. Hôm nay 21 âm tháng Chạp rồi nhà tôi vẫn chưa động tĩnh một cái gì của Tết. Hôm trước, chồng tôi dọa sẽ ly hôn nếu tôi còn tư tưởng "chia" tiền chi tiêu gia đình mỗi tháng cho anh.
Thú thật, đến giờ này, cơ quan tôi vẫn chưa động tĩnh gì lương thưởng tháng thứ 13 như mọi năm. Thậm chí, lương tháng trước mới được tạm ứng một nửa.
Nhìn lại mình, có lẽ, sai lầm của tôi là ngay từ đầu khi làm vợ, đã không rạch ròi kinh tế với chồng, để rồi anh được đà lấn tới, vô cảm trước những cố gắng và hy sinh của vợ.
Tôi đã sai quá lâu rồi, giờ tôi không thể nhân nhượng với chồng được nữa. Vì những ngày tương lai không còn ấm ức, tôi đã sẵn sàng tinh thần đối diện với một cái Tết không êm đềm. Nếu chồng không đưa tiền, nhất định, thà ly hôn chứ tôi không chi một đồng cho Tết nhà chồng nữa.
Không thể để nhà vợ lấn lướt tôi
Tôi 30 tuổi, cưới vợ hơn một năm, cuộc sống hạnh phúc và thoải mái; bản thân luôn cứng rắn với hai bên nội ngoại.
Ảnh minh họa
Chuyện căng thẳng khi đầy tháng con trai đầu, bố mẹ vợ nói với mẹ tôi rằng sẽ lên đón bé về chơi một tháng. Mẹ nói lại với tôi, tôi im lặng, coi như không biết. Đến lúc ăn cơm xong, cả nhà ngồi chơi, bố mẹ vợ bảo vợ dọn đồ để đi. Vợ tôi cũng bất ngờ, nói để con hỏi chồng con đã. Vợ quay sang hỏi tôi, tôi bảo không, chưa đến lúc, bao giờ cảm thấy thích hợp tôi cho đi thì đi.
Bố mẹ vợ vùng vằng, tôi bảo thẳng: "Con chưa cho đi thì đố ai dám đưa con trai của con đi đâu cả, bà nội với mẹ nó chưa đến lượt quyết định". Mẹ vợ bảo: "Mẹ nó mà lại không có quyền bế nó đi lên nhà ngoại chơi à"? Tôi điên lên, bảo bà ngoại ạ, bố nó vẫn còn sống; khi nào bố nó không còn, mẹ nó bế đi đâu thì đi. Con chưa cho phép, con gái mẹ mà bế nó ra cổng thôi thì đừng bao giờ quay về".
Mẹ vợ bảo tôi đừng có dọa. Tôi bảo mẹ hỏi con gái mẹ xem con có dọa cô ấy bao giờ không. Nếu bố mẹ và vợ con thông minh thì có thể thử. Vậy là ông bà về. Tôi cũng biết mình quá đáng nhưng không thể không làm thế. Tôi ức chế khi quá nhiều việc bố mẹ vợ lấn át mình.
Sau đó bố vợ gọi điện cho tôi, có bố mẹ và vợ chồng tôi: "Bố thấy nếu hai đứa không ở được với nhau thì làm đơn ra tòa đi, thằng cu mẹ nó nuôi". Vợ tôi bất ngờ bảo sao bố lại nói thế, tôi bật cười vì không nhịn được.
Tôi bảo: "Bố ạ, con vẫn nói câu nói cũ, bố mẹ không có quyền gì can thiệp vào cuộc sống vợ chồng con. Con thấy chỉ là con không sống được với bố mẹ chứ vợ chồng con đang sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên nếu vợ con cảm thấy thích thì có thể viết đơn con ký. Con sẵn sàng để vợ nuôi thằng cu và chu cấp đầy đủ".
Tôi quay sang bảo vợ (lúc đấy chưa tắt điện thoại), rằng em nghe hết rồi nhé, từ giờ em có thể về nhà bố mẹ em, không cần xin phép, chỉ cần thông báo là được, nhưng còn thằng cu thì anh nói không nhé, mai này nó đủ 18 tuổi thì đi đâu thoải mái, còn giờ anh không cho phép.
Mấy năm ở rể, Tết nào tôi cũng nước mắt chan cơm
Tôi đã phiêu dạt theo những chuyến xe Bắc-Nam từ năm 17 tuổi. Chán làm lơ xe, sau 2 năm bốc hàng, giành khách cho chủ, tôi xin nghỉ để đi phụ hồ.
Dù công việc vẫn nặng nhọc nhưng tôi không phải ăn ngủ trên xe, lo giành giật từng người khách, bốc vác hàng bất kể giờ giấc nữa cho chủ xe nữa. Ít học, đầu óc chậm chạp, từ thằng trộn vữa, vác gạch chật vật mãi tôi mới lên được thợ chính.
Đầu nhảy số chậm hơn người khác nhưng được cái tôi làm gì cũng từ tốn, kỹ càng. Có lẽ vì vậy mà tôi được chủ thầu thương, cho đi theo mỗi khi ông đến đại lý lấy vật liệu xây dựng. Sau những lần như thế, tôi quen biết cháu gái ông chủ đại lý.
Là con gái một nhưng nghỉ học sớm, không có việc làm, cô ấy được cha mẹ gửi lên làm thuê cho chú ruột.
Sau một thời gian yêu nhau chúng tôi quyết định về chung một nhà. Gia cảnh như nhau nên bố mẹ hai bên không ai cấm cản. Thậm chí chú vợ tôi, ông chủ đại lý vật liệu xây dựng còn hứa sẽ hỗ trợ nếu vợ chồng tôi có ý định lập nghiệp bằng nghề này. Tuy nhiên, ông đưa ra điều kiện là chỉ hỗ trợ nếu tôi chấp nhận ở rể, về sống chung với bố mẹ vợ ở tận Cà Mau.
Tôi khi ấy như người chết đuối với được cọc nên không ngần ngại gật đầu. Tôi nghĩ mình sống không tệ, được gia đình vợ thương, dẫu có ở rể cũng không có gì xấu hổ, vất vả.
Thế rồi chúng tôi về Cà Mau. Bố mẹ vợ tôi bán một phần đất lấy tiền cho con gái làm vốn kinh doanh. Như đã hứa, chú vợ tôi cũng nhiệt tình hỗ trợ cháu rể mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Mở cửa hàng xong, tôi để vợ trông coi. Còn tôi vẫn tay bay, tay thước đi xây nhà kiếm thêm.
Tất tả mấy năm, cuộc sống của chúng tôi cũng dần dễ thở. Tôi mới dám nghĩ đến việc báo hiếu, thăm nom bố mẹ ở quê.
Tôi nhớ nhà và nhận thấy mình là đứa con bất hiếu. Mấy năm qua, tôi chỉ biết cắm đầu chạy lo cơm áo gạo tiền.
Tôi quên đi bố mẹ già ở quê. Khi con tròn 2 tuổi, tôi ngỏ ý mỗi dịp Tết sẽ đưa bé ra Bắc thăm ông bà nội. Nhưng ý định ấy của tôi đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Bố mẹ vợ không muốn cho vợ chồng tôi về thăm quê.
Ngày thường, khi biết tôi có ý định về thăm nhà, ông bà vừa khuyên vừa ra lệnh: “Giờ còn trẻ nên lo làm, lo tiết kiệm. Đừng đi lại nhiều, tốn kém”.
Mẹ vợ còn dùng tình yêu thương cháu ngoại để tạo áp lực, khiến tôi không dám đưa con về quê. Bà quả quyết con tôi đã quen khí hậu trong Nam, ra Bắc sẽ ốm đau. Mỗi khi con tôi gọi điện thăm ông bà nội, mẹ vợ tôi lại cố tình nói: “Tôi thương cháu quá. Bồng bế nó từ lúc đỏ hỏn đến giờ mến tay mến chân rồi nên không xa nó được”.
Thậm chí, bà còn bóng gió rằng tôi đang định đưa vợ con ra Bắc sống với bố mẹ đẻ nên cứ đòi về thăm nhà.
Nghe những câu ấy, tôi chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến việc đưa con về quê thăm bố mẹ. Đã thế, vì tôi ở rể nên từ lâu, bố mẹ vợ tôi đã mặc định tôi là người của ông bà. Dịp cuối năm, tôi được bố vợ giao trách nhiệm lo toan chuyện Tết trong nhà. Mấy ngày Tết tôi nhất định phải ở lại để quà cáp, chúc Tết họ hàng nhà vợ.
Theo cách hiểu của bố mẹ vợ tôi, đó là trách nhiệm và cũng là dịp để tôi tỏ lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình thoát khỏi cảnh ở trọ, làm thuê, kiếm ăn qua bữa.
Suốt mấy năm qua, chưa Tết nào tôi được đưa vợ con về thăm quê, chúc Tết bố mẹ, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Năm nào, vào đêm giao thừa, ngồi nấu bánh tét, tôi cũng nhớ mùi thơm của nồi bánh chưng mẹ gói, vị chát, ngọt từ ly chè đặc của cha.
Mỗi khi hướng mắt về phía bàn thờ gia tiên nhà vợ, hình ảnh bố tôi tay run run, vịn ghế gỗ đứng lên thắp hương cho ông bà ở quê lại hiện ra trong đầu tôi. Những lúc ấy, mắt tôi bỗng nhiên nhòe đi, sống mũi cay cay như vừa hít phải hơi mù tạt. Năm nay, lại thêm một cái Tết nữa, tôi không về thăm nhà.
Mối quan hệ bố vợ và con rể của tôi đã chấm dứt
Tôi không chắc nhà vợ có đọc không, tối hôm qua bố vợ gọi điện cho tôi, có bố mẹ và vợ chồng tôi. Ông gọi điện đầu tiên hỏi thăm qua loa, rồi vào vấn đề chính luôn: "Bố thấy nếu hai đứa không ở được với nhau thì làm đơn ra tòa đi, thằng cu mẹ nó nuôi". Vợ tôi bất ngờ bảo sao bố lại nói thế, tôi bật cười vì không nhịn được. Tôi bảo: "Bố ạ, con vẫn nói câu nói cũ, bố mẹ không có quyền gì can thiệp vào cuộc sống vợ chồng con. Con thấy chỉ là con không sống được với bố mẹ chứ vợ chồng con đang sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên nếu vợ con cảm thấy thích thì có thể viết đơn con ký. Con sẵn sàng để vợ nuôi thằng cu và chu cấp đầy đủ".
Bố vợ tôi nói hóa ra tôi không cần nhà ngoại, không muốn có mối quan hệ với bố vợ. Tôi bảo đấy là bố nói chứ con không nói. Bố vợ tuyên bố từ nay cắt đứt với tôi, không bố con gì hết, tôi cũng đừng đến nhà ông, con gái ông về thì về chứ tôi không về. Tôi bảo vâng và xưng hô chú cháu luôn, còn nói vấn đề ly hôn chú với vợ cháu cứ bàn bạc rồi báo lại cháu, sau đó chào chú.
Tôi quay sang bảo vợ (lúc đấy chưa tắt điện thoại), rằng em nghe hết rồi nhé, từ giờ em có thể về nhà bố mẹ em, không cần xin phép, chỉ cần thông báo là được, nhưng còn thằng cu thì anh nói không nhé, mai này nó đủ 18 tuổi thì đi đâu thoải mái, còn giờ anh không cho phép. Tôi còn nói thêm rằng vợ hiểu chồng nên đừng làm những việc tôi không muốn. Tôi coi như không có nhà ngoại, nhà ngoại cũng không có người con rể như tôi. Tôi mà ngồi với bố mẹ vợ thì với tính cách của hai bên, tôi sẽ vui còn bố mẹ vợ bẽ bàng thôi.
Có thể mọi người cho rằng tôi xứng đáng bị nhà vợ cắt đứt quan hệ, nhưng thú thực từ lúc lấy vợ chưa bao giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên như bây giờ. Không biết bố mẹ vợ thế nào chứ vợ chồng tôi vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Có lẽ kết quả này tuy không hoàn hảo nhưng là cách tốt nhất để giải quyết căng thẳng. Mối quan hệ này mà kết thúc sớm hơn thì đã tránh những tổn thương cho vợ và bố mẹ vợ.
Làm gì khi sống chung với nhà chồng?
Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến ly hôn.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu khác đăng trên Thư viện y khoa quốc gia Mỹ ghi nhận nhiều người rất coi trọng mối quan hệ với bố mẹ chồng và coi đó là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của họ.
Điều này cho thấy mối quan hệ lành mạnh với gia đình chồng là nền tảng cho sự hòa hợp trong hôn nhân và hạnh phúc chung của gia đình. Động lực này thường bị đánh giá thấp, nhưng tác động của nó đối với tuổi thọ và chất lượng của một cuộc hôn nhân không hề nhỏ.
Gia đình chồng có thể có tác động đáng kể đến hôn nhân, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Sự hỗ trợ tinh thần và vật chất
Có bố mẹ chồng ủng hộ có thể mang lại sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho các cặp vợ chồng trẻ trong những thời điểm khó khăn. Trong một số trường hợp, bố mẹ chồng có thể hỗ trợ tài chính cho các con.
Khi một cặp vợ chồng duy trì mối quan hệ tích cực với gia đình chồng, họ sẽ kết nối với những người thân thực sự quan tâm đến hạnh phúc của họ. Cảm giác được chia sẻ các giá trị này tạo ra sự gắn kết mở rộng, làm phong phú thêm trải nghiệm hôn nhân.
Mối quan hệ hài hòa với bố mẹ chồng có thể có tác động tích cực sâu sắc đến việc nuôi dạy con cái. Khi có sự tham gia của ông bà và các thành viên khác trong đại gia đình, trẻ em sẽ nhận được nhiều tình yêu thương, sự quan tâm và những quan điểm đa dạng hơn. Ông bà có thể đóng vai trò là tấm gương, người cố vấn và nguồn trí tuệ, làm phong phú thêm sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, trẻ em được hưởng lợi từ việc quan sát những tương tác lành mạnh giữa cha mẹ và ông bà, học được những bài học quý giá về sự tôn trọng, giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.
Sự xung đột và căng thẳng
Bên cạnh những điểm tích cực, mối quan hệ căng thẳng với nhà chồng thường dẫn đến căng thẳng, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa vợ chồng.
Mâu thuẫn với nhà chồng có thể tạo ra căng thẳng trong hôn nhân. Xung đột xuất hiện, khi cha mẹ và con cái không tìm thấy tiếng nói chung trong mọi vấn đề từ quan điểm, truyền thống gia đình, tôn giáo, kỳ vọng. Cha mẹ chồng cũng có thể chỉ trích con, tạo ra cảm giác căng thẳng và tổn thương.
Sự can thiệp
Cha mẹ chồng có thể có can thiệp vào các quyết định của hai con, đặc biệt khi liên quan đến các sự kiện lớn trong đời như sinh con hoặc mua nhà. Họ thậm chí có thể cố gắng can thiệp vào mối quan hệ của con bằng cách đưa ra những lời khuyên không được chào đón hoặc cố gắng kiểm soát các quyết định của con.
Lời khuyên để thiết lập ranh giới lành mạnh với bố mẹ chồng
Cố gắng hiểu, tôn trọng bố mẹ chồng
Hiểu và tôn trọng lối sống riêng của gia đình chồng có thể khiến họ cảm thấy được đề cao và nhờ vậy, khuyến khích họ yêu mến, đón chào thành viên mới nhiều hơn. Đừng đề cao cá nhân đến mức bỏ qua quan điểm, thói quen sinh hoạt của gia đình chồng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc trân trọng những điều nhỏ nhặt, ví dụ nếu mẹ chồng làm món dưa chua ngon, hãy trân trọng điều đó. Nếu bố chồng bạn có khiếu hài hước, hãy cho ông biết bạn đánh giá cao điều đó. Việc tìm kiếm và thừa nhận những điều nhỏ nhặt giúp gắn kết gia đình và tạo ra niềm vui, sự hòa thuận.
Duy trì mối quan hệ hòa hợp với bố mẹ chồng không chỉ là điều cần thiết, nó còn ảnh hưởng đến chất lượng thời gian và giao tiếp mà bạn có với bạn đời của mình.
Giao tiếp cởi mở
Thay vì giữ im lặng hoặc tỏ ra nóng nảy một cách thái quá khi chạm tự ái, nên cố gắng giao tiếp cởi mở để tìm tiếng nói chung với gia đình chồng. Thái độ cầu thị, lắng nghe sẽ giúp bạn dễ được đón nhận hơn là khăng khăng bảo vệ quan điểm riêng và để xung đột leo thang.
Giao tiếp cởi mở với bố mẹ chồng là chìa khóa để thiết lập những ranh giới lành mạnh. Hãy trung thực về nhu cầu và mong đợi của bạn, đồng thời lắng nghe những mối quan tâm của họ.
Không đặt kỳ vọng vô lý
Dù bạn có những mong đợi về gia đình chồng nhưng khi bạn đưa ra những kỳ vọng quá vô lý, bạn sẽ gây rắc rối cho chính bản thân lẫn những người thân của chồng. Cần hiểu họ không phải cha mẹ bạn và không thể nào đáp ứng mọi mong muốn của bạn. Điều này hoàn toàn khác với việc đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, hợp lý từ cả hai phía để được lắng nghe và tôn trọng.