Đạ M’rông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, với trên 95% đồng bào DTTS. Người dân đa số sinh sống bằng nghề nông nghiệp với chủ yếu các loại cây trồng chủ lực của địa phương như bắp, cà phê, lúa. Nhận thấy các loại cây trồng này mang lại hiệu quả không cao, năm 2019 chị Ma Rương, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ M’rông đã mạnh dạn tìm hiểu và chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.
Chị cũng vận động một số chị em trong thôn Đa Xế chuyển sang mô hình phát triển kinh tế này để góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình cung ứng tằm con ở xã Đạ M’rông mang lại hiệu quả kinh tế cao
Khi bắt đầu thực hiện mô hình, các chị cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc mua tằm giống, do ở xa nơi cung cấp. Để khắc phục tình trạng này, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Hội LHPN huyện Đam Rông, chị Ma Rương đã cùng một số chị em thành lập Tổ hợp tác cung ứng tằm con với 15 thành viên là hội viên phụ nữ xã Đạ M’rông. Đây là Tổ hợp tác cung ứng tằm con đầu tiên của phụ nữ trên địa bàn huyện Đam Rông, với mô hình nuôi tằm con tập trung tại thôn Đa Xế để cung ứng giống tằm con cho hội viên phụ nữ và người dân 3 xã: Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long. Tổ hợp tác trồng 2 ha dâu, đang chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mỗi tháng cung cấp khoảng 30 hộp giống tằm con tuổi từ 1 – 3 và nuôi từ 20 - 22 hộp tằm lớn; nhờ đó giúp các thành viên có thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong 2 năm qua, Tổ hợp tác đã giúp được 2 hộ thành viên thoát khỏi diện hộ nghèo. Dự án “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi từ 1 - 3” của chị Ma Rương cũng đã đoạt giải Nhất Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối năm 2023 do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Để hội viên phụ nữ và người dân yên tâm với nghề trồng dâu, nuôi tằm, Tổ hợp tác cung ứng tằm con của phụ nữ Đạ M’rông đang nâng cấp lên thành Hợp tác xã dâu tằm Đạ M’rông, không chỉ cung ứng giống tằm con chất lượng mà còn xây dựng chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi tằm thu mua kén tằm với giá cả ổn định. Hợp tác xã đã tạo được mối liên kết chặt chẽ và ổn định trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của hội viên phụ nữ cũng như người dân vùng đồng bào DTTS, nâng cao thu nhập. Hiện nay, mô hình Tổ hợp tác đang được tiếp tục nhân rộng ở các xã Liêng S’rônh, Đạ Long, Đạ Tông và Đạ R’sal.
Mô hình Tổ hợp tác ung ứng tằm con của phụ nữ xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông đã phát huy hiệu quả trong việc giúp hội viên phụ nữ và bà con đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.