Mô hình chuyên canh cây nha đam ở Ninh Thuận

18/12/2023 17:36

Thực hiện Chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.

bai-20xanh

Người dân chăm sóc nha đam trên cánh đồng

Thôn Xóm Bằng, Xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận. Mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cây nha đam được triển khai với quy mô liên kết canh tác ban đầu là 4 ha. Tham gia dự án có 32 hộ nông dân đồng bào dân tộc Rắc–lây, trong đó có 14 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo và 1 hộ mới thoát nghèo ở thôn Xóm Bằng. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất; áp dụng quy trình kỹ thuật trồng chuyên canh cây nha đam thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP có năng suất và chất lượng cao; kết hợp ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước.

Nha đam là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối ngắn, rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân có ít vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới ở cùng đất có khí hậu khô nóng như Ninh Thuận. Với cây nha đam, mỗi năm người dân thu hoạch liên tục 10 vụ (mỗi tháng một vụ), 2 tháng còn lại để phục hồi và nuôi dưỡng cây. Chi phí đầu tư của mỗi hộ dân trong năm thứ nhất gần 55,2 triệu đồng. Thu nhập của người dân từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận bình quân đạt hơn 88 triệu đồng/hộ. Lợi nhuận bình quân hàng tháng gần 7,4 triệu đồng/hộ. Mô hình chuyên canh cây nha đam đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo tại địa phương; giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động thường xuyên tại địa phương. Dự kiến đến năm 2025, vùng nguyên liệu cây nha đam ở xã Bắc Sơn sẽ được mở rộng lên 50 ha. Đồng thời huyện Thuận Bắc sẽ đầu tư lưới điện và thủy lợi để vùng nguyên liệu nha đam ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn phát triển bền vững.

Từ thành công của mô hình liên kết này, Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác; tạo điều kiện cho người dân liên kết sản xuất nha đam theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với các công ty tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân./.

Theo Ban TĐKT tỉnh Ninh Thuận

Mô hình chuyên canh cây nha đam ở Ninh Thuận - TIN TỨC