Đó là chị Trần Thị My (45 tuổi, ở Hoà Bình). Công việc chính của chị My là làm bảo vệ ca đêm trong nghĩa trang từ 17h30 chiều hôm trước đến 6h30 sáng hôm sau.
Để có thêm tiền nuôi con ăn học, chị My còn phải làm thêm công việc đón dịch vụ mộ (đón tiếp các gia đình mới đưa mộ đến).
Chính vì thế, hầu như lúc nào dù mưa bão hay gió lạnh chị My cũng ở khu vực nghĩa trang: “Gắn bó với nơi đây được khoảng 10 năm, tôi đã quá quen thuộc với công việc. Mới đầu về đây làm, tôi cũng thấy sợ, nhưng giờ những hôm ốm mệt được nghỉ tôi lại nhớ công việc”, chị My chia sẻ.
Chị Trần Thị My là bảo vệ nữ duy nhất tại nghĩa trang.
Chị My là người bảo vệ nữ duy nhất tại đây, dù công việc không mấy nặng nhọc, tuy nhiên hiếm có thể thấy một người phụ nữ bạo dạn như vậy, tuy nhiên vì thương con nên chị phải cố gắng.
“Làm ở đây, tôi chỉ thương các con vì ít có thời gian ở bên chăm sóc cho chúng”, chị My kể.
Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn, chị My tâm sự, chị và chồng kết hôn, sinh được hai cô con gái. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, nhưng giữa chị My và gia đình chồng không hợp nhau nên nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Khi con gái út chị My tròn 3 tuổi là lúc chị xin vào làm công việc ở nghĩa trang. Lúc này chồng và gia đình phản đối nhưng chị My vẫn nhất quyết bám trụ.
“Chồng tôi bệnh tật không làm được gì, bản thân tôi không học hành đến nơi đến chốn, không có bằng cấp khó xin việc. Khi vào đây tôi có được mức lương ổn định, có thể lo được cho các con nên tôi mới chọn công việc này”, chị My bật khóc kể.
Dù công việc không mấy nặng nhọc, thế nhưng rất ít người phụ nữ dám làm.
Thời gian đầu, con gái út của chị hay ốm đau, bám mẹ vì bé còn quá nhỏ. Mỗi lúc như vậy, chị My lại nhờ người trực hộ, chạy về mua thuốc cho con uống.
“Nhiều đêm con khóc, gọi điện thoại bảo mẹ ơi về với con mà lòng tôi như đứt từng khúc ruột. Trên màn hình điện thoại, con gái nước mắt lã chã rơi với đôi mắt đỏ hoe gọi mẹ khiến tôi chỉ muốn từ bỏ công việc ngay, chạy thật nhanh về ôm con ngủ. Thế nhưng, nghĩ không có tiền tôi lại động viên con rồi gắng gượng, nén nỗi đau, những giọt nước mắt vào trong để tiếp tục công việc”, chị My kể.
Hiện tại, con gái út của chị My năm nay học lớp 6, con gái lớn đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Chị My cũng mua được căn nhà nhỏ cho mấy mẹ con ở.
Những lúc ngồi nghỉ, chị My thường gọi cho con gái để tâm sự.
Để có thêm tiền nuôi con ăn học, chị My còn phải làm thêm công việc đón dịch vụ mộ
Chị My cho biết, vào những dịp lễ, Tết hay 8/3, ngoài được các anh, em trong tổ bảo vệ tặng hoa thì chị cũng được hai cô con gái tặng quà. Niềm vui lớn nhất của chị đến giờ là có được hai người con hiểu chuyện, ngoan ngoãn, biết thương chị, đó là món quà giá trị nhất đối với chị.
Bảo Khánh