Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
"Chị đi có mệt lắm không?", tôi hỏi. Đáp lại, chị bảo có mệt, vì ít khi đi xe, trước khi đi dù có uống thuốc chống say xe nhưng vẫn còn lâng lâng vì... ói mấy lần. Con bé tân sinh viên con chị thì chia sẻ, "mẹ con dạo này ốm mấy ký đó cậu, chắc vì lo lắng chuyện thi thố của con".
Con bé có vẻ hiểu chuyện. Tôi ra trường chị mới có chồng và sanh, thế mà nay con đã vào đại học như thuở tôi chập chững vào Sài Gòn cách đây hơn hai mươi năm.
Tôi nói với con bé: "Giờ con đi học sướng hơn cậu nhiều. Hồi đó cậu tự đi, mà thời đó đâu đã có điện thoại điện thun gì. Con đi xe giường nằm khỏe, chứ cậu đi ghế ngồi mà họ nhồi nhét ghê lắm...". Sau một hồi nghe tôi kể lể, con bé vui lên hẳn, có lẽ vì cảm thấy mình may mắn hơn cậu ngày xưa.
Tại sân trường đại học mà con bé sẽ vào học, tôi dắt chị và cháu vào gần nơi đang tổ chức tiếp nhận hồ sơ nhập học, chị nói: "Có chi cậu hướng dẫn giúp cháu...". Tôi trấn an chị cứ yên tâm, "có cậu đây rồi", tôi quay lại nói với cháu.
Hồ sơ của cô bé cũng nhanh chóng hoàn thành. Mà thời nay đi học tốn kém nhiều quá, học phí mấy chục triệu mỗi năm. "Anh chị có hai đứa, nên làm lụng bao nhiêu đều đổ vàng, để dành cho tụi nó đi học hết đó cậu. Chị luôn kể về cậu - thời đi học khó khăn mà cũng vào đại học được - nên sắp nhỏ nhà chị xem cậu là thần tượng, không ngừng cố gắng", chị chia sẻ.
Tôi thấy vui vì mình cũng là động lực cho ai đó. Té ra chỉ cần mình cố gắng cho chính mình là đã giúp được ai đó về mặt tinh thần rồi.
Nhìn quanh trong khoảng sân rộng ấy, có những tân sinh viên tự đến nhập học, tôi đoán là các bạn ấy ở Sài Gòn nên quen đường. Nhiều bạn trẻ khác, mặt mũi non nớt hồn nhiên như tôi thuở 18, được ba hoặc mẹ dắt đi nhập học. Những dáng dấp phụ huynh đưa con đến giảng đường sao quen quá, giống chị tôi, và giống bao ông bố bà mẹ khác, chắt chiu từng đồng để "đầu tư" cho con cái học hành.
Sự lo lắng và tình yêu thương của cha mẹ là những gì các bạn mang theo để trụ vững nơi phố lạ, tiếp tục nỗ lực cho ước vọng thành đạt trên bước đường học tập, kiến tạo tương lai. Nói cha mẹ là bệ phóng của con, để con bay xa hơn vì thế luôn đúng.
Tôi bảo chị cứ yên tâm về lại quê, con bé rồi sẽ ổn. Em ở đây sẽ qua thăm và giúp đỡ con bé khi cần. Tôi vẫn thường làm việc này với những tân sinh viên đồng hương khác, huống nữa là cháu của mình. Rồi các bạn trẻ sẽ được nạp thêm kiến thức, kỹ năng, sống tự lập hơn khi không có cha mẹ bên cạnh.
Hành trình trưởng thành ai chẳng bắt đầu từ những lần xa quê, xa gia đình - từ khi ba hoặc mẹ dắt lên thành phố để ta vào giảng đường với tin, yêu trao gửi...