Đơn cử vụ bắn nhau ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) vừa qua khiến 2 người chết, 4 người bị thương gây hoang mang dư luận. Vậy các băng nhóm giang hồ lấy “vũ khí nóng” ở đâu để dùng cho hoạt động phạm tội? Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.
Hàng trăm khẩu súng Công an Kiên Giang thu giữ được. Ảnh: Anh Vũ
Thực tế cho thấy, gần đây lực lượng Công an đã triệt phá nhiều vụ “chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng” có số lượng cực lớn.Mới nhất, Công an quận Tân Bình, TP.HCM khám phá một ổ nhóm chuyên mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ quy mô lớn.
Công an quận Tân Bình phát hiện một đối tượng nghi vấn thường xuyên xuất hiện xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nghi vấn mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Qua điều tra, trinh sát nắm được, đối tượng này điều khiển xe gắn máy chuyên giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các shop chuyên kinh doanh mặt hàng này.
Tối 4/11, lực lượng công an phục kích, bắt quả tang đối tượng N.T.B.N đang điều khiển xe, mang theo một hộp chứa 2 roi điện, 3 gậy ba khúc, 2 bình xịt hơi cay… đi giao cho khách. N. thừa nhận hành vi và khai báo, nhận số hàng trên từ một người lạ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
N. cho biết, người lạ nhờ giao hàng là người chuyên mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua các mạng xã hội có nick name là “Tôm tự vệ”.
Nguyễn Anh Vũ và kho vũ khí, công cụ hỗ trợ. Ảnh: CA
Trinh sát Công an quận Tân Bình phối hợp cùng Công an TP Thuận An, tỉnh Bình Dương đã xác định được đầu mối chủ hàng, chủ của các trang mạng “Tôm tự vệ” là Nguyễn Anh Vũ (29 tuổi).
Khi Vũ đang giao hàng cho khách thì bị lực lượng công an bắt quả tang.
Khám xét nơi ở của Vũ, công an đã thu giữ lượng tang vật gồm: 232 đao kiếm các loại, 23 roi điện và nhiều hộp để đựng dao kiếm.
Trước đó, Công an tỉnh Kiên Giang khám phá thành công chuyên án chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng lớn nhất miền Tây, qua đó thu giữ cả “kho súng, đạn”.
Cán bộ điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, TP Rạch Giá và một số huyện của tỉnh, từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, xuất hiện nhiều vụ các đối tượng sử dụng hàng “nóng” như vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn, bảo kê các điểm tệ nạn xã hội… khiến dư luận xôn xao.
Qua công tác nắm tình hình, sàng lọc đối tượng nghi vấn, Công an phát hiện nổi lên đối tượng Dương Minh Tuấn (tức Ba Teo, 30 tuổi, ngụ TP Rạch Giá), có nhiều điểm nghi vấn.
Công an tỉnh Kiên Giang quyết định lập chuyên án đấu tranh, xóa sổ đường dây mua bán, chế tạo, tàng trữ súng.
Chỉ trong thời gian ngắn, 12 đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng trên địa bàn Kiên Giang bị bắt giữ và khởi tố.
Làm rõ vai trò của từng nghi phạm, Công an xác định vợ chồng Cao Văn Hoài (27 tuổi) và Võ Ngọc Trâm (26 tuổi, cùng quê Kiên Giang) là trung gian mua súng từ tỉnh, thành khác về TP Rạch Giá bán lại cho Dương Minh Tuấn cải tiến thành súng có tính năng như súng quân dụng rồi bán ra thị trường.
Quá trình điều tra Công an còn bắt giữ “bà trùm” Vũ Thị Diệp (32 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) và 3 đàn em.Bị can Diệp được xác định là “bà trùm” tàng trữ, mua bán trái phép súng.
"Bà trùm" súng đạn Vũ Thị Diệp. Ảnh: Anh Vũ
Theo cơ quan Công an, Diệp móc nối với nhiều đối tượng quen biết để tổ chức mua các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Thái Lan về Việt Nam. Sau đó, Diệp phân ra giao cho các đại lý trong toàn quốc để rao bán trên mạng xã hội, thu lợi số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Trong các “đối tác” làm ăn của Diệp có vợ chồng Cao Văn Hoài.
Công an tỉnh Kiên Giang đã thu giữ 315 khẩu súng và nhiều tang vật là đạn quân dụng và công cụ hỗ trợ, đao, kiếm...