Sau những điều chưa từng có tiền lệ do Covid mang lại, nửa đầu năm nay lại có một "thiên nga đen": Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trước đó, kinh tế toàn cầu đón "những cơn gió ngược" như sự lệch pha về điểm rơi phục hồi kinh tế giữa các nước, chính sách tiền tệ xoay trục theo hướng "diều hâu" của các ngân hàng trung ương hay nguy cơ lạm phát vượt dự báo. Đứng giữa những dòng chảy ngược chiều, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, hoặc phải nương theo dòng chảy, áp dụng những chính sách đồng pha; hoặc phải chấp nhận kinh tế bị tác động mạnh. Dù theo hướng nào, lựa chọn cũng không dễ dàng.
Với Việt Nam, các chuyên gia đánh giá không dễ áp dụng chính sách tương tự các nền kinh tế phát triển, do độ trễ về quá trình phục hồi, cũng như diễn biến dịch. Số ca nhiễm Covid-19 đã giảm, nhưng nguy cơ từ đại dịch vẫn chưa hết. Trong khi đó, kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi. Như xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra, nếu chọn cách cùng tăng lãi suất, quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ bị gián đoạn.
Nhưng với độ mở lên tới 200% GDP, việc đứng ngoài hoàn toàn với dòng chảy toàn cầu khó có thể thực hiện. Bởi thế, công việc của Chính phủ, theo giới phân tích, là tìm điểm cân bằng cho nền kinh tế ở nhiều góc độ, đặc biệt dung hòa giữa việc đối phó với những 'cơn gió ngược' và ổn định vĩ mô, tiếp tục phục hồi kinh tế.
Góc độ đầu tiên là GDP - lạm phát. Quý II năm nay, GDP tăng hơn 7,7%, mức cao nhất thập kỷ. Nhưng con số kỷ lục này bị lu mờ bởi áp lực lạm phát. Tại cuộc họp công bố con số này hay ở các phiên họp của Chính phủ, tăng trưởng kỷ lục không còn là thành tích được nói bởi lạm phát mới là đề tài đáng chú ý nhất.
Kinh tế vẫn trong trạng thái "hồi sức", nếu ngay lập tức "siết" chính sách tiền tệ để giảm nỗi lo lạm phát, công sức phục hồi lâu nay có thể bị ảnh hưởng.
CPI nửa đầu năm chỉ tăng hơn 2,4%, vẫn trong mục tiêu điều hành dưới 4% cả năm, nhưng con số trong cảm nhận của người tiêu dùng không như vậy bởi "sức nóng" đang phả mạnh vào túi tiền của họ. Cơn bão giá lan rộng trên thị trường quốc tế, còn trong nước, giá hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng nhanh.
Giá dầu thô thế giới lập đỉnh, có thời điểm vượt ngưỡng 120 USD đẩy giá xăng trong nước lên cao kỷ lục. Trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, xăng dầu không phải nhóm có quyền số lớn nhất, cũng vì thế mà ảnh hưởng lên CPI chung nửa đầu năm không quá cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu ngoài thị trường đã liên tục bị đẩy giá vì ảnh hưởng từ đà tăng của xăng.
Giá từ mớ rau, quả trứng, cho tới nguyên liệu xây dựng, chi phí vận tải, logistics... đều tăng, thậm chí ngay cả khi giá xăng dầu đã chững lại. Mức tăng chỉ vài nghìn đồng, nhưng nếu quy ra tỷ lệ, biên độ ở ngưỡng hai chữ số, khác xa con số 2,4% của CPI. Ngay cả những hàng hóa bình ổn cũng lung lay trước cơn bão giá.