Richard Wadsworth, 41 tuổi, là một bác sĩ tâm thần được đào tạo bài bản, sống ở Idaho cùng vợ, 5 con gái và 2 con trai.
Sau đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, Wadsworth nhận thấy thời gian sử dụng thiết bị của các con anh tăng lên đáng kể khi các lớp học của chúng chuyển sang trực tuyến.
Anh nói với The Epoch Times: “Chúng hầu như luôn nhìn chằm chằm vào màn hình. Ngay cả việc giải trí hàng ngày của chúng cũng thông qua màn hình”.
Từ việc xem clip YouTube đến chơi các trò chơi trực tuyến khác nhau, các thiết bị điện tử khác nhau đã dần bắt đầu thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống của bọn trẻ.
Wadsworth, một bác sĩ tâm thần đã chứng kiến những kiểu hành vi tương tự khi làm việc với những người nghiện rượu và ma túy, cho biết: “Đối với tôi, điều này rất giống những gì tôi thấy ở người nghiện”.
Tại nơi làm việc, anh cũng tiếp xúc với một số bệnh nhân tuổi teen bị trầm cảm và bồn chồn.
Vợ và 7 đứa con của Wadsworth
Wadsworth bối rối và tò mò về những gì những đứa trẻ này đang làm, vì vậy anh đã hỏi các bậc cha mẹ rằng con cái họ trải qua mọi ngày như thế nào và câu trả lời anh thường nhận được là chúng chơi điện thoại hàng ngày.
Thậm chí, một số trẻ khi bị tịch thu điện thoại còn dọa sẽ tự làm hại mình hoặc có hành vi bạo lực với người khác.
Anh cho biết: “Rất nhiều đứa trẻ mà tôi làm việc cùng đã phải vào bệnh viện tâm thần. Chúng hành động như thể ai đó đã cưỡng bức tịch thu heroin của chúng hay thứ gì đó. Tôi thực sự hoảng sợ khi chứng kiến điều đó".
Sau khi chứng kiến những hành vi cực đoan này ở những bệnh nhân tuổi teen của mình, anh kết luận rằng lối sống của những người trẻ hiện đại khác xa với cuộc sống mà anh đã dành phần lớn thời thơ ấu ở ngoài trời.
Kinh nghiệm làm việc với những bệnh nhân nghiện công nghệ cũng khiến anh lo ngại về việc các con mình dành bao nhiêu thời gian cho màn hình. Điều này khiến anh phải thảo luận với chúng về việc sử dụng màn hình quá nhiều có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của chúng như thế nào. Lúc đầu, anh bị hầu hết bọn trẻ phản đối. Bảy đứa con của anh có độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi.
Wadsworth nói: “Chúng không muốn ngừng sử dụng các thiết bị điện tử. Chúng muốn tiếp tục nhìn vào màn hình và tận hưởng chúng”.
Ngay trước đó, một trong những cô con gái của anh cũng nhận ra sự nguy hiểm của việc nghiện thiết bị điện tử và đang cố gắng thoát khỏi xiềng xích của màn hình.
Cô bé chủ động đi tìm bố và nói: “Bố, con cần bố mang chiếc máy tính này đi hoặc đập nát nó và ném vào thùng rác. Con đang dành quá nhiều thời gian trước màn hình máy tính đến nỗi con không muốn làm bất cứ điều gì khác. Bất cứ khi nào có cơ hội, con đều cố gắng quay lại trước máy tính và dành nhiều thời gian để xem những clip TikTok hoặc YouTube này".
Người cha nhận ra rằng sẽ khó có thể loại bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử khỏi cuộc sống của mình nên anh đã nảy ra một ý tưởng thiết thực hơn là hạn chế việc sử dụng màn hình trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày, gọi đó là "lệnh giới nghiêm trước màn hình".
Chỉ một ngày sau khi lệnh "giới nghiêm" được thực hiện, anh nhận thấy tất cả trẻ em (trừ trẻ nhỏ) đều đọc sách. Đây là cảnh tượng anh chưa từng thấy bao giờ.
Chẳng mấy chốc, giờ “giới nghiêm màn hình” đã tràn ngập hàng loạt hoạt động ý nghĩa như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, hoạt động thể thao và vui chơi bên ngoài. Tức là, Wadsworth sẽ đưa trước cho các con mình một danh sách việc cần làm, sau đó khóa tất cả các thiết bị điện tử trong nhà ở trong văn phòng của mình cho đến khi bọn trẻ hoàn thành mọi công việc trước khi trả lại cho chúng.
Kể từ khi thực hiện những phương pháp này để giảm thời gian sử dụng thiết bị, anh nhận thấy nó thực sự có tác động tích cực đến các con anh.
Anh chia sẻ: "Các con ngày càng dành nhiều thời gian để chơi ngoài trời. Các con thường chơi đùa bên ngoài với bạn bè và thích thực hiện nhiều hoạt động ngoài trời. Các con xây một pháo đài nhỏ ở sân sau. Ngoài ra, các con đều thích đọc sách hơn. Tôi và các con đã có một tuần vui vẻ và trọn vẹn”.
Lấy cảm hứng từ điều này, Wadsworth đã quay một video giải thích và chia sẻ lên mạng. Thật bất ngờ, video nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhiều phụ huynh cũng cảm thấy như vậy về điều này và đã để lại lời nhắn chia sẻ ở phần bình luận.
Giờ đây, Wadsworth không cho trẻ em tiếp cận với điện thoại thông minh, mỗi đứa chỉ có một chiếc điện thoại di động với các chức năng cơ bản như gọi điện, gửi tin nhắn và tra cứu bản đồ.
Lời khuyên của anh dành cho các bậc cha mẹ khác là hãy đợi cho đến khi con họ đủ 18 tuổi rồi mới mua cho chúng một chiếc điện thoại thông minh.
Anh nói: “Nếu một đứa trẻ sở hữu điện thoại thông minh của riêng mình khi còn nhỏ, sẽ rất nguy hiểm ở nhiều cấp độ nếu đứa trẻ bị nghiện”.
T. Linh