Tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như không ai để ý. Xe buýt, xe máy, ô tô ra-vào giữa các làn đường không theo biển báo, chưa kể ô tô dừng đỗ bất chấp biển cấm vẫn phổ biến.
Hiện cung đường thí điểm này được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va đập kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra. Hai làn phía bên phải sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên trái dành cho xe ô tô. Nhưng trên thực tế, người tham gia giao thông chấp hành theo biển báo là điều “không tưởng”, lý do là vào giờ cao điểm, người dân rất khó nhận thấy hiệu quả từ rào chắn, chưa phát huy được tính cưỡng chế phân làn. Chỉ khi nào có lực lượng nhắc nhở, chỉ dẫn thì họ mới đi đúng làn, còn không họ cứ đi theo cảm tính.
Phân cách cứng thí điểm hơn 1 tháng qua ở đường Nguyễn Trãi
“Có thể là do thói quen của người dân trong nhiều năm qua, hoặc chế tài chưa xử lý triệt để. Tôi thấy có làn phân cách cứng nhưng vẫn rất lộn xộn”, anh Nguyễn Duy Phương, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết.
Các xe đi sai làn ngay tại điểm phân cách là chuyện "bình thường"
Còn bà Lê Ánh Hoa, người dân tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân lại cho rằng, đường Nguyễn Trãi cũ khi chưa xây tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được phân làn trong cùng bên phải dành cho xe buýt. Ngày đó hiếm khi tắc đường, mặc dù vẫn còn khu Cao Xà Lá, sinh viên tan học cũng đông. Nhưng từ ngày công trường đường sắt ngổn ngang, mật độ dân tăng lên chóng mặt do nhiều thêm các khu chung cư, tắc đường trên tuyến đường này đã trở thành chuyện “bình thường mỗi ngày”.
“Cũng có thể là do dân số của Thủ đô ngày đó chưa tăng nhanh như bây giờ. Nhưng dù sao ý thức của người dân đi theo làn đường của mình rõ ràng lắm, không như bây giờ. Giờ thì xe buýt cũng chạy linh tinh, ô tô thì lao bên này sang bên nọ, người đi bộ cứ ngang nhiên qua đường, rất lộn xộn”, bà Hoa cám cảnh về tình hình giao thông hiện nay.
Áp lực giao thông, nhất là buổi chiều, là vô cùng ngột ngạt
Số liệu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội chỉ ra rằng, những người đi xe máy đã giữ thói quen "tự do" từ nhiều năm nay, kể cả một số người đi ô tô hiện nay cũng có thói quen đi kiểu của xe máy... Rõ ràng là phải mất nhiều công sức, nhiều thời gian, kể cả tiền của nữa để thay đổi thói quen và nhận thức. Nhưng dù tốn kém vẫn phải kiên trì.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
Còn ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định, tình hình giao thông đã có cải thiện, đặc biệt vào giờ cao điểm sáng.
“Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo ATGT- Ông Bảo khẳng định.
Không thấy rõ sự khác biệt khi có hoặc không dải phân cách cứng
Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm buổi chiều hay xuất hiện các phương tiện lưu thông lộn xộn. Trong tháng 8 vừa qua, đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại, vào khung giờ cao điểm, các khu vực Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Phụng, khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm quay đầu trên tuyến vẫn bị ùn ứ.
Sở GTVT Hà Nội sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, khắc phục những phát sinh mới trên tuyến đường Nguyễn Trãi sau khi lắp đặt dải phân cách cứng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông, đồng thời, áp dụng với những tuyến đường khác nếu hiệu quả, trước mắt, Sở vẫn duy trì kiến nghị tiếp tục giữ dải phân cách cứng thí điểm đến hết năm 2022, cho dù thực tế hiệu quả của việc này gần như là không có gì./.