Phim Việt: Vì sao đàn ông cứ phải là 'ông nội' trong nhà?

22/03/2023 16:19
Nhiều bạn đọc đã hỏi như vậy xung quanh câu chuyện phim Việt xây dựng người phụ nữ đi vào phim với mô típ lúc nào cũng khắc khổ, chịu thương chịu khó. Theo bạn đọc, đã đến lúc phải làm khác và thoát khỏi lối mòn, may ra phim Việt có khán giả.

 

Phim Việt: Vì sao đàn ông cứ phải là 'ông nội' trong nhà?

An (trái - diễn viên Thanh Trúc), nữ chính trong phim Vạn dặm nhân sinh ngay từ tập 1 đã nhận nhiều đau khổ - Ảnh: ĐPCC

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lễ trao giảiLiên hoan truyền hình toàn quốclần thứ 41 vừa diễn ra tại Hải Phòng vào tối 18-3. Ở lĩnh vực phim truyện dài tập, hai bộ phim truyện đoạt huy chương vàng đều là câu chuyện về người mẹ.

Và, cùng mẫu số, dù mỗi người mẹ mỗi hoàn cảnh nhưng chung quy cuộc đời họ gặp nhiều biến cố, luôn hy sinh cho các con và đầy nước mắt...

"Đã buồn, xem phim truyền hình của Việt Nam lại càng buồn thêm. Tiết tấu chậm chạp, rề rà, phụ nữ thì đúng là phụ nữ, mắt bao giờ cũng nhìn xuống kiểu cam chịu. Đàn ông phải là "ông nội" trong nhà các nhà làm phim mới chịu à"? - bạn đọc Da Nang viết.

Cùng có góc nhìn không nên xây dựng hình ảnh người phụ nữ theo mô típ cũ, lúc nào cũng tỏ ra cam chịu, bạn đọc Tuấn bổ sung: "Xem xong phim Việt Nam cảm thấy tâm trạng không tốt, rất nhức đầu.

Đề tài khai thác cũ, không có tính sáng tạo. Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, mâu thuẫn gia đình... toàn soi mói nhau, nói xấu nhau".

Cũng theo bạn đọc này, ngoài các hạn chế trên còn có thêm điểm trừ khác, đó là: "Mặt diễn viên nặng như đeo chì. Không có tính sáng tạo, làm cho cuộc sống tốt hơn mà toàn quay lại lối mòn cũ. Phim này chỉ phù hợp những người thích soi mói người khác thôi".

Ngoài ra, âm thanh trong phim Việt cũng là một điểm trừ nữa.

Về ý này, bạn đọc Tâm viết: "Diễn viên phát âm rất khó nghe, ngữ điệu trong câu thật kỳ dị, to nhỏ, lên xuống không hợp lý.

Nói chung, phim Việt thời gian qua có tiến bộ, nhưng phim hay thật hiếm! Nhạc đã không hay lại làm nhạc nền không hợp với nội dung phim trong từng tình huống, từng hoàn cảnh, từng phân đoạn và tổng thể của phim".

Đánh giá có phần chủ quan, bạn đọc Đức viết: "Thực sự nhiều năm nay tôi không xem một bộ phim Việt nào vì đơn giản nội dung toàn xoay quanh những vấn đề drama gia đình, lừa lọc mưu hại lẫn nhau tạo cảm xúc tức giận, căm phẫn, nghi ngờ để thu hút người xem. Những nội dung này dần dần kéo đạo đức gia đình, xã hội xuống cấp".

Còn bạn đọc Minh Chánh bày tỏ quan điểm: "Tôi rất thích xem phim Việt. Nhưng chất lượng phim sao càng xem càng thấy dở. Kịch bản, đạo diễn và cuối cùng là diễn viên đều yếu".

Theo bạn đọc này: "Câu chuyện trong các kịch bản dĩ nhiên là hư cấu, nhưng phải logic, phản ánh những hiện tượng có thật hoặc như có thật ở ngoài đời, phải có tính nhân văn. Còn đằng này rất phi thực tế".

Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Hải Hà đề xuất: "Đã qua rồi cái thời người đàn ông làm "ông nội" trong gia đình. Khi làm phim truyền hình, mong các nhà làm phim lưu ý đâu phải lúc nào cũng chồng chúa vợ tôi.

Đề tài hiện nay rất đa dạng, không thiếu gì phụ nữ bản lĩnh, thành đạt. Cứ xoáy sâu vào nhữngbi kịchcủa phụ nữ càng làm mất đi giá trị của phim, khiến khán giả Việt Nam quay lưng với phim nhà".

Theo Nguồn tuoitre.vn

Phim Việt: Vì sao đàn ông cứ phải là 'ông nội' trong nhà? - Giải Trí