Xem điện thoại, lục ví, quản lý thời gian, giám sát các mối quan hệ… là cách một số chị em thường làm để kiểm soát chồng. Nhưng theo chuyên gia tâm lý, phụ nữ thông minh để chồng giữ mình, chứ không phải mình giữ chồng.
Những cuộc hôn nhân “nghẹt thở”
“Anh đi đâu đấy?”, “Anh đang ngồi với ai?”, là những câu quen thuộc chị Hậu (35 tuổi, Hà Nội) thường xuyên gọi điện, nhắn tin tra hỏi chồng. Chồng chị làm kinh doanh, còn chị 5 năm nay ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái.
Chồng tài giỏi, phong độ, công việc phải giao thiệp nhiều nên chị lúc nào cũng thấp thỏm, bất an, lo chồng “léng phéng” bên ngoài. Vì vậy, anh đi đâu, gặp gỡ ai luôn là những điều chị quan tâm, thắc mắc. Nhiều lần chị còn xem lén tin nhắn, danh sách cuộc gọi trên điện thoại của chồng.
Vợ chồng chị Hậu đã không ít lần xảy ra mâu thuẫn, to tiếng vì sự kiểm soát của chị. Tuy nhiên, sau mỗi lần cãi vã, chị chỉ “tạm tha”, không quản chồng vài hôm, rồi mọi chuyện đâu lại vào đó.
Kiểm soát chồng quá đà khiến hôn nhân trở nên ngột ngạt. (Ảnh minh họa)
Tương tự là trường hợp chị Hà Thanh (Quảng Ninh). Lúc chị mang bầu bé thứ 2, chồng chị ngoại tình. Khi mọi chuyện vỡ lở, chồng chị xin tha thứ và hứa không bao giờ tái phạm. Vì vẫn còn yêu chồng, chị đồng ý bỏ qua lỗi lầm ấy.
Sau này, chồng chị đã thay đổi rất nhiều. Anh quan tâm, yêu thương vợ con nhưng chị chưa bao giờ quên chuyện năm xưa. Lo chồng “ngựa quen đường cũ”, lúc nào chị cũng muốn kiểm soát nhất cử nhất động của chồng.
Chồng đi uống cà phê chị cũng để ý xem anh đi với ai. Chồng đi công tác 1-2 ngày, chị âm thầm điều tra xem có đúng là đi công tác không. Chồng tuyển nhân viên nữ, chị phải đến tận công ty xem nhân viên bao nhiêu tuổi, có trẻ trung không, có chồng hay chưa. Hễ thấy chồng nói chuyện vui vẻ với người phụ nữ nào đó, chị lại thấy bất an, nghi ngờ…
"Phụ nữ muốn hạnh phúc, đừng kiểm soát chồng"
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành), kiểm soát chồng là sai lầm không ít chị em mắc phải, đẩy hôn nhân vào trạng thái ngột ngạt, căng thẳng.
Nguyên nhân khiến chị em có hành vi này là do thiếu tự tin vào bản thân, không có cảm giác an toàn, mong muốn kiểm soát chồng để thấy an tâm hơn. Muốn nắm rõ mọi thứ trong tầm tay, chị em thường thúc giục, tra hỏi khi chồng ra ngoài giao lưu, thậm chí lục ví, xem trộm điện thoại…
Trong khi đó, mối quan hệ vợ chồng muốn hòa thuận, hạnh phúc rất cần sự tôn trọng, tin tưởng và mỗi người đều cần không gian riêng. Chị em kiểm soát chồng thái quá sẽ làm đổ vỡ cả ba yếu tố đó. Người chồng cảm thấy vợ quá đa nghi và vô lý, không tin tưởng, tôn trọng mình. Các anh có thể phản kháng lại dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, hoặc không còn cảm thấy thoải mái, dần dần mất kết nối, rạn nứt tình cảm, ngoại tình, ly hôn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh
Nữ chuyên gia tâm lý ví việc kiểm soát cũng giống như việc chúng ta nắm một nắm cát. Càng nắm chặt thì cát càng chảy khỏi tay. Chị em càng giữ chồng thì càng dễ mất. Vì vậy, phụ nữ thông minh không nên kiểm soát chồng. Hãy để người chồng có khoảng không gian riêng, để anh ta nhận ra mình được vợ tin tưởng và tôn trọng.
Thay vì lo nghĩ chồng tài giỏi, phong độ như vậy, ngoài kia bao người con gái chủ động tấn công, sẽ rất dễ sa ngã, chị em cần tập trung vào việc nâng cao kiến thức, chăm chút bản thân để trở nên giá trị hơn cả về trí tuệ, ngoại hình. Khi tự tin vào bản thân, phụ nữ sẽ có cảm giác an toàn, không còn phải lo sợ chồng sa đà vào những cám dỗ bên ngoài nữa.
Một người phụ nữ độc lập, tự tin cũng là “thỏi nam châm” có sức hút cực lớn. Chăm sóc bản thân tốt lên từng ngày là cách hiệu quả để chị em “lạt mềm buộc chặt”. Lúc ấy, chị em không còn phải chạy theo giữ chồng, mà người chồng sẽ tìm cách giữ vợ.
Với những phụ nữ có hành vi kiểm soát chồng xuất phát từ những nỗi đau trong quá khứ như chồng ngoại tình, gian dối… điều cần làm là chữa lành tổn thương để tìm thấy sự bình an trong tâm trí.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, những tình huống và sự kiện đã xảy ra trong quá khứ cùng những cảm xúc kèm theo sẽ hình thành bên trong mỗi người một “ngân hàng ký ức”. Nếu có bối cảnh kích hoạt, chúng ta sẽ nhớ lại những ký ức đó. Ví dụ tình huống chồng ngoại tình là ký ức xấu của người vợ. Việc chồng nói chuyện, cười đùa với phụ nữ, chính là bối cảnh kích hoạt những ký ức xấu, khiến người vợ vô thức xuất hiện cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, muốn kiểm soát chồng.
Để những ký ức xấu này không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, chị em có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để được chữa lành, gỡ bỏ ký ức tổn thương.
Như trường hợp chị Hà Thanh, sau khi được chuyên gia chữa lành, chị đã có thể bình an trước những hành vi của chồng, không còn cả ngày lo lắng tìm cách kiểm soát chồng. Nhờ sự thay đổi tích cực đó, cuộc hôn nhân của chị ngày càng yên vui, hạnh phúc hơn.
Vợ ngoại tình suốt 5 năm nhưng chồng giả vờ ngu ngơ không biết
Vợ ngoại tình, nhiều lần đến với người cũ đã ly hôn nhưng chồng lại không bóc trần mà lặng im, giả vờ như không hề hay biết.
Sau 20 năm, người chồng ngoại tình quay lại nói điều này khiến tôi sốc nặng
Người chồng bội bạc đã có hai lần mất hết liêm sỉ, nói những lời như cứa sâu vào trái tim tôi.