Khá nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa chú ý đến hoạt động đọc sách của con em mình, thậm chí không biết cách chọn sách sao cho phù hợp với từng độ tuổi.
Trong những buổi giao lưu chia sẻ về chủ đề "Đọc sách để phát triển" tại các trường học và cơ sở lao động, diễn giả Kim Thoa nhận thấy một số bậc phụ huynh và thầy cô tỏ ra băn khoăn chưa biết lựa chọn sách theo độ tuổi cho con em mình như thế nào?
Trước thực trạng đó, diễn giả Kim Thoa cho rằng ở mỗi độ tuổi đều có rất nhiều tựa sách hay, phù hợp để đọc. Bởi vậy, lựa chọn sách là việc không khó vì tên sách, mục lục hoặc phần lời giới thiệu đã nói lên cơ bản nội dung của cuốn sách đó; phần còn lại nên chú ý đến tác giả là ai, có chuyên môn như thế nào…
Đó là những nguyên tắc cơ bản khi chọn sách. Tuy nhiên, điều cần quan tâm nhất lại không phải là khâu chọn sách, mà là trẻ đã có thói quen đọc sách hay chưa.
Ở nhiều vùng miền trên thế giới, người ta đề cao vai trò của sách và cho rằng đọc sách không chỉ giúp phát triển trí tuệ, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho quá trình trưởng thành. Do đó, họ rất chú ý đến các hoạt động để xây dựng thói quen đọc cho con em từ nhỏ như để sẵn sách ở trong nhà, kể chuyện cho con nghe thường xuyên, cho con tiếp xúc với sách… nhằm tạo ra hứng thú để kéo con đến với sách nhiều hơn.
Dân tộc Do Thái là dân tộc có một lễ hội rất đặc biệt: lễ chôn sách (chôn những cuốn sách cũ, không còn giá trị sử dụng). Họ quan niệm rằng mỗi cuốn sách như có một linh hồn và luôn mong muốn lưu giữ giá trị của tri thức. Dân tộc này cũng tổ chức lễ hôn sách dành cho những đứa trẻ tròn 1 tuổi bằng cách nhỏ mật ong lên bìa để em bé hôn vào đó. Phong tục này giúp trẻ nhỏ thấy được sự ngọt ngào từ sách, từ đó dần hình thành nên tình yêu sách.
Diễn giả Kim Thoa trong một buổi giao lưu chủ đề đọc sách
Thế nhưng ở Việt Nam, còn khá nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa chú ý đến hoạt động đọc sách của con em mình, thậm chí không biết cách chọn sách sao cho phù hợp với từng độ tuổi.
Theo các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thần kinh học, độ tuổi từ 0 đến 6, đặc biệt là dưới 3 tuổi, là giai đoạn vàng để phát triển trí não.
"Việc đọc sách cho con nếu không được thực hiện ngay từ nhỏ sẽ rất khó để hình thành thói quen. Một đứa trẻ lúc nhỏ nếu không đọc sách, khi lớn lên sẽ khó có tình yêu đối với sách", diễn giả Kim Thoa lý giải - như nhà giáo dục người Nga Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky từng nói: "Càng giáo dục con trẻ càng xa thời điểm đứa trẻ sinh ra thì càng khó khăn".
Nữ diễn giả là nhà sáng lập và điều hành Tân Việt Books này cho rằng trẻ chưa có thói quen đọc, trách nhiệm trước hết thuộc về sự giáo dục từ gia đình. Khi cha mẹ chưa nhận thức được giá trị của việc đọc sẽ chưa chú ý tới hoạt động đọc sách của con.
Đứa trẻ đó khi bước vào cấp tiểu học, trung học rồi đại học chắc chắn sẽ khó có thói quen đọc. Ở những giai đoạn này, cha mẹ lại thường "biện minh" rằng khối lượng bài vở trên lớp đã quá nhiều, đọc sách chỉ làm tăng gánh nặng cho con. Thế nhưng, các nhà khoa học đã chứng minh điều ngược lại rằng đọc sách có tác dụng làm tăng cường khả năng ghi nhớ và giúp giảm áp lực học tập.
Thêm vào đó, nguyên nhân khiến trẻ chưa có thói quen đọc còn nằm ở việc thư viện nhà trường chưa được ưu tiên đầu tư, chưa tạo ra các không gian đọc hấp dẫn thân thiện, thuận lợi cho việc đọc của học sinh. Hầu hết thư viện nhà trường đều nằm trong tình trạng đơn sơ, sách vở còn hạn chế, cơ sở vật chất còn cũ do lâu chưa được đầu tư.
Hoa hậu H'Hen Niê bên tủ sách "Room to Read" do cô và Đại sứ quán Israel trao tặng cho học sinh vùng cao Lai Châu
Theo diễn giả Kim Thoa, dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì cũng xuất phát từ việc chúng ta chưa ý thức được giá trị to lớn của việc đọc sách. Ngay cả những vị chính khách hay những người thành công như cựu Tổng thống Barack Obama, tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffet… vẫn luôn giữ thói quen đọc hàng ngày. Họ ham tìm hiểu để không ngừng phát triển bản thân, hoàn thiện hơn khối kiến thức của mình.
"Vậy chúng ta là những người bình thường mà tại sao lại thờ ơ với sách?", diễn giả Kim Thoa đặt câu hỏi - "Đặc biệt, giai đoạn "bình minh" của trẻ là giai đoạn then chốt để giáo dục, phát triển trí tuệ trong đó có việc hình thành thói quen đọc sách, nhưng hầu hết chúng ta lại đang bỏ qua giai đoạn này".
Nói về giá trị của sách, diễn giả Kim Thoa cho rằng việc đọc giúp con người tiếp cận tri thức, tạo dựng tình yêu cuộc sống từ những điều đẹp đẽ, giản dị. Trẻ nhỏ nếu có thói quen đọc, lớn lên sẽ tự tìm đến sách mà không cần bất cứ tác động nào.
Giống như giáo sư người Canada Raymond Mar từng nói: "Trẻ em càng đọc nhiều câu chuyện nhân văn khi nhỏ thì lớn lên, chúng sẽ càng có những suy nghĩ tử tế".
Bên cạnh đó, đọc sách còn giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, sự tự tin khi giao tiếp, thuyết trình… Nếu không có lượng thông tin, kiến thức tích lũy từ sách, trẻ sẽ khó chia sẻ, cởi mở trong học tập cũng như trong cuộc sống.
"Đây còn là tiền đề để trẻ phát triển trí tưởng tượng. Với một cuốn truyện khi đọc, các bé có thể tưởng tượng ra các viễn cảnh trong câu chuyện và hòa mình vào một thế giới mới", diễn giả Kim Thoa nói.
Cha mẹ cần làm gương cho con trong việc đọc sách
Thế nhưng, cha mẹ phải làm gì khi con chưa có thói quen đọc? Là người gần gũi nhất với trẻ, cha mẹ cần làm gương, chăm đọc sách, khơi gợi thói quen đọc và tạo hứng thú cho con. Điều này đòi hỏi sự kiên trì trong một thời gian dài, đọc sách cùng con vào một khoảng thời gian cố định trong ngày với tần suất lặp đi lặp lại.
Theo diễn giả Kim Thoa, cha mẹ cần tạo hứng thú cho trẻ đọc sách bằng những lời động viên, cổ vũ để con thấy được việc đọc mang lại niềm vui, chứ không được ép buộc. Đặc biệt, mỗi gia đình cũng nên có ngân sách hàng tháng để dành vào việc mua sách phù hợp cho con em mình. Đây sẽ là một khoản đầu tư có chi phí rẻ nhất nhưng cũng thông minh nhất.
Tại Hội thảo khoa học "Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển" diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội, khi nói về việc phát triển văn hóa đọc, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho rằng: Để phát triển văn hóa đọc, cần phải chú trọng hơn đến giáo dục thói quen, kỹ năng đọc sách cho trẻ em cũng như các đối tượng người đọc khác nhau trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, chú trọng đến việc đẩy mạnh xã hội hóa về việc hình thành tủ sách gia đình, phát triển thư viện nhỏ. Mặt khác, Nhà nước cần có hình thức tôn vinh, khích lệ các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp đối với phát triển văn hóa đọc thỏa đáng, thiết thực.