Trường hợp cấp cứu không được khám chữa bệnh từ xa

18/10/2023 12:48

Các trường hợp được khám chữa bệnh từ xa không bao gồm bệnh nhân cấp cứu và yêu cầu cần thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật.

Đây là một trong 7 nguyên tắc xây dựng danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp.

Thông tư này quy định phạm vi thực hiện khám chữa bệnh từ xa là hình thức khám chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà được thực hiện thông qua truyền tải âm thanh, hình ảnh và dữ liệu bằng thiết bị, công nghệ thông tin.

Việc khám bệnh từ xa bao gồm tương tác qua màn hình trực tuyến và đọc kết quả cận lâm sàng qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Trường hợp cấp cứu không được khám chữa bệnh từ xa

Một buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kết nối với gần 30 điểm cầu gồm các bệnh viện tỉnh và huyện. Ảnh: Tuấn Anh

Về yêu cầu đối với người hành nghề thực hiện khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế đề xuất 6 điểm. Trong đó,các chỉ định và kê đơn thuốc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Cũng theo dự thảo Thông tư của Bộ Y tế, có 7 nguyên tắc xây dựng danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa, trong đó bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh là yếu tố đầu tiên.

"Bệnh và tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa không bao gồm các trường hợp cấp cứu và yêu cầu cần thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật trên người bệnh", dự thảo Thông tư nêu rõ.

Một số nguyên tắc gồm: Bệnh mạn tính ở giai đoạn ổn định duy trì điều trị ngoại trú tại cộng đồng; Các bệnh khám và theo dõi sau quá trình điều trị; Các bệnh truyền nhiễm. Các bệnh thông thường điều trị được tại cộng đồng.

Trong danh mục các bệnh, tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa ban hành kèm dự thảo Thông tư này có 15 chuyên khoa, mỗi chuyên khoa có 1 hoặc nhiều bệnh, tình trạng bệnh được quy định mã ICD-10.

Cụ thể, chuyên khoa Dinh dưỡng có 1 bệnh là béo phì; chuyên khoa Tai Mũi Họng có bệnh viêm mũi họng cấp tính, mạn tính; chuyên khoa Cơ xương khớp có bệnh đau vai gáy, đau thắt lưng, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối và loãng xương; chuyên khoa Tim mạch có tăng huyết áp, suy tim...

Bộ Y tế chính thức triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa từ năm 2020, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Đây cũng là một trong những giải pháp chuyển đổi số mà ngành Y tế thực hiện.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024, dành riêng Điều 80 về hoạt động khám bệnh chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh chữa bệnh từ xa.

Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) trong năm 2023, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên.

Trường hợp cấp cứu không được khám chữa bệnh từ xa

Bác sĩ tuyến xã ‘hòa sóng’ khám chữa bệnh từ xa“Bác sĩ cho mọi nhà” thể hiện rõ vai trò của chuyển đổi số đối với việc thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, tạo sự kết nối giữa bác sĩ và người dân chặt chẽ hơn.

Bình luận

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Trường hợp cấp cứu không được khám chữa bệnh từ xa - Sức Khỏe